ThS.BS.CKII Trần Thị Thanh Tú, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết khô khớp là tình trạng khớp sản sinh không đủ hoặc không sản sinh ra chất nhờn để bôi trơn khi sụn khớp hoạt động. Từ đó, dẫn đến các triệu chứng như khô cứng khớp, nghe tiếng lạo xạo khi cử động khớp... Khớp thường bị khô nhất là khớp gối, ngoài ra, cũng có thể xuất hiện ở khớp háng, khớp vai, khớp bàn tay...
Khô khớp thường là hậu quả của bệnh lý thoái hóa sụn khớp. Cụ thể, trong quá trình hoạt động của cơ thể, sụn khớp sẽ không ngừng bị mài mòn. Tuổi tác ngày càng cao cũng làm suy giảm dần chất lượng khớp. Chấn thương và các hoạt động không đúng cách trong sinh hoạt hàng ngày tích lũy theo thời gian... sẽ mài mòn bề mặt sụn khớp, làm bộc lộ xương dưới sụn, xuất hiện các gai xương, tạo ra phản ứng viêm và dẫn đến khô khớp.
Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ gặp phải tình trạng khô khớp nhất do quá trình thoái hóa xảy ra ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả sụn khớp. Ngoài ra, những người có thói quen sinh hoạt không đúng tư thế như ngồi xổm, quỳ gối, leo cầu thang nhiều...; người thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên bề mặt sụn khớp; người có tiền sử chấn thương ở khớp cũng có thể gặp phải tình trạng này.
Bác sĩ Thanh Tú cho biết, một số người bệnh có thể chỉ cảm thấy khô khớp, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, khô khớp có thể tiến triển nặng, gây ra các triệu chứng như đau, sưng khớp, khó khăn trong đi lại và sinh hoạt.
Ở mỗi giai đoạn, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc đặc hiệu phù hợp. Đối với trường hợp khô khớp nhẹ, chưa làm xuất hiện các triệu chứng sưng đau, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các thuốc như glucosamin sulfat, chondroitin, tinh chất dầu từ quả bơ... Những thuốc này có tác dụng hồi phục độ dày của sụn khớp đã bị tổn thương.
Khi tình trạng khô khớp đã ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, làm giảm khả năng vận động, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc kháng viêm, giảm đau. Nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc đường uống sẽ được chỉ định tiêm corticoid hoặc chất nhờn hyaluronic vào khớp.
Nghiêm trọng nhất là tình trạng tổn thương khớp hoàn toàn, gần như không còn sụn khớp bao phủ bề mặt xương của người bệnh. Lúc này, các phương pháp điều trị không còn hiệu quả, để khôi phục hoạt động bình thường của sụn khớp, người bệnh buộc phải thay khớp nhân tạo.
Bác sĩ Thanh Tú lưu ý, để phát huy tối đa hiệu quả điều trị, song song với việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, người bệnh còn cần thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Trước hết, phải tránh các hoạt động sai tư thế, tác động lên khớp đang bệnh. Ví dụ, đối với tình trạng khô và thoái hóa khớp gối, người bệnh không nên ngồi xổm, ngồi xếp bằng, đi cầu thang nhiều... Lúc này, tham gia các hoạt động như đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe... sẽ thích hợp với người bệnh hơn các môn thể thao đòi hỏi chạy, nhảy, vận động mạnh. Ngoài ra, người bệnh còn cần kiểm soát cân nặng để tránh gây áp lực lên sụn khớp.
Khô khớp là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh lý thoái hóa sụn khớp. Tình trạng này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời với các triệu chứng nặng nề khác. Nếu người bệnh đến thăm khám muộn, bệnh đã diễn tiến nặng, quá trình điều trị sẽ phải sử dụng nhiều thuốc hơn, thậm chí là phẫu thuật thay khớp. Do đó, người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện dấu hiệu khô khớp. Điều trị càng sớm, tỷ lệ phục hồi càng cao.
Phi Hồng