Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường gặp nhất do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, Khoa Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bệnh viêm phổi làm các túi khí trong phổi bị viêm, chứa đầy mủ và dịch. Lúc này chúng sẽ khó thực hiện công việc chuyển oxy vào máu và loại bỏ carbon dioxide tích tụ trong cơ thể. Viêm phổi phát triển khi bệnh nhân bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm. Bệnh lây lan qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần với những người bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho khạc đờm, sốt, đau ngực... Bệnh có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai, mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và cơ địa từng người. "Viêm phổi nặng có thể gây tử vong nếu người bệnh gặp các biến chứng của tình trạng nhiễm trùng", bác sĩ Thắm nói.
Các biến chứng này bao gồm nhiễm khuẩn huyết: sự di chuyển của nhiễm trùng từ phổi vào máu, có thể gây nên tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, dẫn đến tử vong.
Áp xe phổi: là tình trạng tích tụ mủ và mô bị tổn thương trong phổi, cần điều trị lâu dài, đôi khi đòi hỏi phải dẫn lưu ổ áp xe kết hợp với kháng sinh liều cao.
Viêm màng não: là sự di chuyển của nhiễm trùng từ phổi theo đường máu đến màng não.
Suy hô hấp: trong trường hợp này, người bệnh sẽ cần oxy hoặc có thể là máy thở để hỗ trợ thở.
Tình trạng viêm phổi nặng nếu không được điều trị sẽ để lại hậu quả lâu dài cho phổi, ảnh hưởng đến khả năng bị nhiễm trùng trong tương lai, giảm khả năng lao động và giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, bệnh còn gây tổn thương các cơ quan nội tạng, dẫn đến suy thận, gan hoặc tim, thậm chí tử vong.
Hầu hết người mắc viêm phổi sẽ khỏi nếu điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong 30 ngày là 5-10% với bệnh nhân nhập viện, có thể lên đến 30% ở những người thuộc diện cần chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Thắm cho rằng, với người có sức khỏe tốt, khả năng khỏi viêm phổi tương đối nhanh (trong vòng 1-2 tuần). Nhưng một số người thuộc nhóm nguy cơ cao, có thể sẽ gặp nhiều biến chứng đe dọa tính mạng, tăng nguy cơ tử vong do viêm phổi. Đó là trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi); người trên 65 tuổi; người có hệ miễn dịch yếu do mắc các bệnh mãn tính hoặc điều trị hóa-xạ trị, các thuốc ức chế miễn dịch; có sẵn các bệnh lý về tim phổi; hút thuốc lá; phụ nữ có thai; người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc dễ tiếp xúc với nguồn bệnh (như bệnh viện).
"Không phải tất cả mọi người trong nhóm này đều có thể bị viêm phổi nặng và tử vong. Nhưng họ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn, cần nhập viện theo dõi và điều trị", bác sĩ Thắm nhấn mạnh.
Những người có nguy cơ cao bị viêm phổi hoặc biến chứng do nhiễm trùng có thể tiêm vaccine (phế cầu, cúm, Covid-19, Hib...) để giảm nguy cơ mắc bệnh. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trong mùa lạnh giúp ngăn ngừa sự lây lan các bệnh nhiễm trùng; đeo khẩu trang nếu xung quanh có người bị bệnh. Đồng thời, mỗi người cần vận động, ăn uống đầy đủ, tránh thức khuya, không hút thuốc.
Khi có nguy cơ cao bị viêm phổi hoặc cảm lạnh, ho, cúm kéo dài, người bệnh cần theo dõi sát các triệu chứng liên quan. Trường hợp cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như: khó thở, tức ngực, sốt cao, môi hoặc móng tay có màu xanh nhạt, tím tái, ho kéo dài... cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm.
Bác sĩ Thắm khuyến cáo, nhiều người được chẩn đoán bị viêm phổi nhưng do chủ quan xem nhẹ bệnh, tới khi tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng mới tới viện thì đã quá muộn. Việc phát hiện và phòng ngừa sớm thường là chìa khóa giúp cơ thể phục hồi nhanh sau bệnh viêm phổi.
Theo WHO, bệnh viêm phổi đã giết chết hơn 808 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2017, chiếm 15% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong. Những người có nguy cơ bị viêm phổi cũng bao gồm người lớn trên 65 tuổi và người có vấn đề sức khỏe từ trước.
Mai Linh