Chườm lạnh và chườm nóng đều được sử dụng phổ biến trong giảm đau khi bị chấn thương xương khớp. Cả hai cách đều có thể giúp giảm đau nhưng tùy vào từng trường hợp mà áp dụng cụ thể.
Chườm lạnh
Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong trường hợp các chấn thương cấp tính (chấn thương mới xảy ra) để giảm sưng, đau và viêm. Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng. Khi đó, các mạch máu và mô sưng lên kèm theo cảm giác đau đớn.
Trong vòng 48 giờ sau khi gặp các chấn thương này, một túi nước đá có thể giúp giảm thiểu sưng tấy, giảm chảy máu trong các mô, đồng thời giảm đau và co thắt cơ. Các vận động viên gặp chấn thương thể thao như bong gân, trật khớp hay người ngã xe thường được sơ cứu ban đầu bằng cách chườm đá lạnh.
Trong khi chườm lạnh, cần lưu ý một số điều như: không áp trực tiếp đá lên da, thay vào đó hãy sử dụng một chiếc khăn mỏng hoặc cho đá vào túi chườm. Không giữ túi chườm ở một vị trí cố định quá lâu để tránh bị tê cóng. Mỗi lần chườm không vượt quá 15 đến 20 phút, nên chia ra nhiều lần trong ngày.
Không chườm đá lên chấn thương mạn tính trước khi hoạt động thể dục thể thao. Với những bệnh nhân lên cơn gout cấp, cơn đau khớp dạng thấp, viêm khớp gối sưng, nóng, đỏ,... chỉ nên áp dụng chườm lạnh nhằm giảm tình trạng viêm.
Chườm nóng
Chườm nóng được sử dụng với các chấn thương mạn tính như: đau cổ vai cánh tay, đau thắt lưng, đau khớp, đau cơ... Các bệnh này thường dẫn tới tình trạng cứng cơ nên khi chườm nóng sẽ giúp thư giãn các mô, thả lỏng cơ và kích thích lưu lượng máu đến khớp hoặc cơ bị ảnh hưởng. Do đó, chườm nhiệt có thể là một biện pháp giảm đau hiệu quả nếu nguyên nhân là do căng cơ.
Khi chườm nóng, nguy cơ lớn nhất là có thể gây phỏng da nếu nhiệt độ quá cao. Nhiệt độ lý tưởng khi chườm nóng là 38-45 độ C, hạn chế để nhiệt độ trên 45 độ C. Ưu tiên sử dụng một số dụng cụ như túi chườm y khoa, túi nén nóng hoặc bọc nhiệt chuyên dụng... có tác dụng giữ nhiệt tốt, thích hợp sử dụng làm túi chườm nóng khi bị chấn thương xương khớp.
Để sử dụng chườm nóng an toàn cần ghi nhớ không áp dụng trong trường hợp vết thương cấp tính; để mức nhiệt vừa phải sao cho không gây đổ mồ hôi hoặc khó chịu. Không sử dụng khi vết thương có hiện tượng sưng tấy, vết thương hở và đặc biệt không chườm nóng trong khi ngủ sẽ gây nguy cơ bị nóng rát hoặc phỏng da. Ở một số bệnh nhân tiểu đường hay rối loạn cảm giác thường khó cảm thấy nhiệt độ tại vùng chườm nên cần đặc biệt lưu ý hơn về nhiệt độ.
Trong một số trường hợp đau khớp mạn tính, đặc biệt không có dấu hiệu sưng, viêm đau nặng thì cả chườm đá và chườm nóng khớp đều có thể hữu ích. Phương pháp điều trị này được gọi là liệu pháp tương phản, thường được sử dụng sau khi tập thể dục cường độ cao hoặc tham gia một hoạt động thể thao với mục đích hồi phục chấn thương.
Với phương pháp này, cần luân phiên chườm nóng và chườm lạnh vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Tuy nhiên, cần ghi nhớ là với những chấn thương cấp tính, chỉ nên chườm lạnh trong vòng 48 giờ đầu. Sau giai đoạn này, chỉ áp dụng chườm nóng để giúp tan lượng máu và rửa trôi những tổn hại trong các cơ.
Sự kết hợp giữa chườm nóng và chườm lạnh cũng được cho là có tác dụng tốt đối với các bệnh mạn tính như viêm khớp gối (không có hiện tượng sưng đỏ). Tuy chưa có bằng chứng xác thực nhưng nhiều người bị viêm khớp gối cho biết họ cảm thấy cơn đau được kiểm soát tốt hơn khi luân phiên chườm nóng và lạnh.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)