Khàn giọng là sự thay đổi về chất lượng hoặc cao độ của giọng nói, khiến âm thanh trở nên thô, khàn hoặc yếu. Nguyên nhân do bất thường ở dây thanh âm, nơi chịu trách nhiệm tạo ra âm thanh khi không khí đi qua chúng. Dưới đây là các bệnh có triệu chứng khàn tiếng.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khàn tiếng, có thể cấp tính hoặc mạn tính. Viêm thanh quản cấp tính thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, bệnh cúm hoặc sử dụng giọng nói quá mức như la hét, nói to, hát to, nói chuyện quá lâu mà không nghỉ ngơi, nói với âm độ quá cao.
Người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế nói chuyện và uống nhiều nước giúp thanh quản phục hồi. Trường hợp khàn tiếng do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng thanh quản cần tránh những tác nhân này và không uống nhiều rượu, bia.
Nếu nhiễm virus gây khàn giọng, các triệu chứng có thể tự biến mất hoặc người bệnh cần dùng thuốc kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xuất huyết nếp gấp thanh quản
Xuất huyết nếp gấp thanh quản xảy ra khi mạch máu trên bề mặt dây thanh quản bị vỡ. Lúc này người bệnh có thể nhanh chóng khàn giọng, cần ngừng nói chuyện và đến bệnh viện khám.
Các nốt, u nang và polyp thanh quản
Các nốt, u nang và polyp dây thanh quản là những khối u lành tính có thể xuất hiện dọc theo nếp gấp thanh quản. Nói nhiều, la hét quá mức có thể dẫn đến áp lực, ma sát và gián đoạn sự rung động của dây thanh âm, dẫn đến khàn giọng. Người bệnh nên nghỉ ngơi, có thể phẫu thuật hoặc trị liệu bằng giọng nói theo chỉ định của bác sĩ.
Liệt dây thanh quản
Liệt dây thanh quản xảy ra khi một hoặc cả hai dây thanh âm không thể mở hoặc đóng đúng cách. Nguyên nhân có thể là do chấn thương ở đầu, ngực hoặc cổ; các khối u ở đáy sọ, cổ và ngực; ung thư phổi; ung thư tuyến giáp.
Lúc này dây thanh âm bị liệt không thể cử động bình thường, dẫn đến khàn giọng. Phương pháp điều trị bao gồm trị liệu bằng giọng nói, phẫu thuật.
Bệnh trào ngược axit
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, dẫn đến kích ứng họng. Sự kích thích này có thể ảnh hưởng đến chức năng của dây thanh âm và góp phần gây khàn giọng. Ở một số người, nó có thể ảnh hưởng xấu đến thanh quản, dẫn đến trào ngược thanh quản với dấu hiệu hắng giọng liên tục.
Để giảm triệu chứng và ngăn bệnh xuất hiện, mỗi người nên duy trì cân nặng vừa phải, ăn uống lành mạnh (tránh ăn cay, món nhiều dầu mỡ hoặc có tính axit), không hút thuốc lá và dùng thuốc theo chỉ định.
Rối loạn thần kinh
Các tình trạng như bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng hoặc đột quỵ có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp và kiểm soát của các cơ liên quan đến giọng nói, dẫn đến khàn giọng. Người bệnh Alzheimer thường có giọng nói rè rè, không rõ, âm "umm" đi liền sau mỗi phát âm.
Ung thư thanh quản
Khối u ác tính phát triển ở dây thanh quản có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này và gây khàn giọng. Triệu chứng chính của ung thư thanh quản là khàn giọng kéo dài hơn ba tuần, thay đổi giọng nói đau họng hoặc ho không khỏi. Phương pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản.
Huyền My (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |