Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2020, nước ta có hơn 2.020 ca mắc mới và hơn 1.100 ca tử vong vì ung thư thanh quản. BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, tại Việt Nam, ngày càng gặp nhiều thể ung thư thanh quản đơn thuần hơn là ung thư hạ họng. Người mắc bệnh chủ yếu là nam giới, chiếm đến 96,9%, tập trung ở độ tuổi 45-65.
Yếu tố nguy cơ
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến ung thư thanh quản vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Hút thuốc lá và uống rượu là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư thanh quản là thuốc lá và rượu. Nếu người bệnh có cả thói quen hút thuốc lá và thường xuyên uống rượu, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nhiều lần.
Một số trường hợp viêm thanh quản mạn tính (bạch sản, hồng sản) có nguy cơ cao, có tỷ lệ chuyển thành ác tính 10-40%.
Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản khác bao gồm trào ngược dạ dày, thoát vị thanh quản, u nhú thanh quản, làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất phóng xạ.
Triệu chứng
Triệu chứng của ung thư thanh quản phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u ác tính, được chia thành hai nhóm là triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể.
Triệu chứng cơ năng
Khàn tiếng: là triệu chứng sớm và chủ yếu của ung thư thanh quản, biểu hiện giọng khàn, kéo dài và tăng dần, dùng thuốc không đỡ. Tính chất khàn thô, cứng (rè, giọng cứng như gỗ). Ho khan, tiếp là ho khạc đờm nhầy lẫn máu; khó chịu ở họng, cảm giác như có dị vật mắc ở họng cũng là triệu chứng của bệnh.
Khi khối u lan ra ngoài thanh quản đến hạ họng, người bệnh có thể bị nuốt vướng, nuốt nghẹn, nuốt đau. Bệnh nhân có thể bị khó thở thanh quản khi khối u lan rộng che lấp lòng thanh quản.
Triệu chứng thực thể
Bên cạnh các triệu chứng cơ năng trên, người bệnh còn có thể xuất hiện hạch cổ, sớm thấy nhất ở ung thư thượng thanh môn. Bác sĩ Hằng lưu ý, trong thăm khám, cần đánh giá vị trí, số lượng, độ chắc và sự di động của các hạch cổ này.
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán ung thư thanh quản, đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử và hỏi người bệnh về các triệu chứng đang gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và kiểm tra cổ họng của người bệnh. Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán.
Quá trình chẩn đoán sẽ phân biệt ung thư thanh quản với lao thanh quản, cũng như các u lành tính khác của thanh quản như papilloma, u hạt viêm, polyp, nang dây thanh...
Nội soi thanh quản: thường là xét nghiệm được chỉ định đầu tiên nhằm giúp bác sĩ quan sát và kiểm tra thanh quản của người bệnh chi tiết hơn.
Nội soi hoạt nghiệm thanh quản: bằng ống mềm qua đường mũi hoặc bằng ống cứng qua đường miệng, quan sát thấy rõ tổn thương thanh quản nghi ngờ ác tính hay không, giúp đánh giá khối u ảnh hưởng chức năng hoạt động dây thanh.
Sinh thiết: nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể sinh thiết để xác định bản chất khối u và xác định chẩn đoán. Đây là cách duy nhất để khẳng định khối u lành tính hay ác tính.
Chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp ngực: nhằm đánh giá ung thư di căn phổi.
CT scan và MRI có tiêm thuốc, cho phép đánh giá sự lan của khối u, đặc biệt ở các vị trí mép trước dây thanh, hạ thanh môn, các cấu trúc của thanh quản. Bên cạnh đó, phương pháp này có thể giúp đánh giá tình trạng hạch cổ.
Siêu âm vùng cổ: giúp bác sĩ phát hiện các hạch cổ phì đại nghi hạch di căn.
Chụp PET-CT scan: nhằm phát hiện các ổ di căn, phân biệt tái phát với các tổn thương hoại tử sụn do tia hoặc các di chứng trong quá trình điều trị, hoặc phát hiện các ổ ung thư thứ hai...
Khi có kết quả chẩn đoán ung thư thanh quản, bước tiếp theo, bác sĩ cần phải xác định giai đoạn ung thư để đánh giá xem ung thư đã lan rộng ra khu vực lân cận và có tình trạng di căn xa hay không. Ung thư thanh quản được chia làm 4 giai đoạn, tùy theo mức độ lan rộng của khối u tại thanh quản và đến các cơ quan lân cận.
Bác sĩ Hằng cho biết, việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, vị trí, kích thước khối u và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các phương pháp điều trị chính cho ung thư thanh quản bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Ung thư thanh quản được chẩn đoán sớm thường được chỉ định điều trị bằng xạ trị hoặc phẫu thuật.
Nếu ung thư ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể kết hợp cả 3 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ (một phần hoặc toàn bộ thanh quản) kết hợp nạo vét hạch, xạ trị và hóa trị để điều trị cho người bệnh.
Trường hợp cắt bỏ thanh quản giúp bệnh nhân phục hồi giọng nói, bác sĩ có thể tiến hành lắp van thanh âm khí thực quản, tập giọng nói thực quản hoặc dùng thiết bị máy nói áp vào vùng cổ để tạo ra âm thanh.
Phòng ngừa
Ung thư thanh quản là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:
Bỏ hút thuốc lá và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói khác.
Hạn chế tối đa các thức uống chứa cồn như bia rượu. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển ung thư thanh quản sẽ giảm đáng kể trong vòng 5 đến 10 năm không sử dụng rượu bia.
Sử dụng thiết bị an toàn khi thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng hoặc các chất độc khác tại nơi làm việc.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý. Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống có nhiều trái cây tươi và rau quả, các chất chống ôxy hóa... có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản.
Thùy Dung