Liệt dây thanh quản là tình trạng một hoặc cả hai dây thanh không thực hiện được chức năng do thần kinh hoặc liệt cơ. ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - giải thích, khi hít thở, hai dây thanh mở ra còn khi nuốt thì chúng đóng chặt lại. Tuy nhiên, khi nói, không khí đi từ phổi làm cho hai dây thanh dao động giữa các vị trí mở và đóng. Nếu dây thanh bị liệt tư thế mở, khiến đường dẫn khí và phổi không được bảo vệ.
Triệu chứng
Theo bác sĩ Hằng, các triệu chứng liệt dây thanh quản có mức độ từ nhẹ tới nặng. Đôi khi các triệu chứng này có thể tự biến mất mà không cần điều trị nhưng cũng có thể kéo dài và trở nặng theo thời gian. Khi dây thanh quản bị liệt, người bệnh thường có các biểu hiện như:
Thay đổi giọng nói: Giọng trở nên khàn đặc, yếu ớt và khó nghe, khi nói thường có âm thanh của tiếng không khí thoát ra, âm lượng giọng nói giảm dần, thậm chí nói không ra tiếng, hụt hơi khi nói...
Khó nuốt: Mắc nghẹn, ho, sặc khi nuốt (thức ăn rắn, lỏng, thậm chí nước bọt), người bệnh có thể cảm thấy như có dịch nhầy trong cổ họng nên hắng giọng thường xuyên.
Khó thở: Hơi thở khò khè, ồn ào, lấy hơi thường xuyên khi nói hay vận động. Tình trạng khó thở thường xuất hiện khi cả hai dây thanh bị liệt khép.
Biến chứng
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, liệt dây thanh quản trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng như nghẹt thở (nguy cơ tử vong cao) và viêm phổi. Khi dây thanh bị liệt, đường thở có thể đóng hoặc mở hoàn toàn khiến thức ăn và nước uống có thể đi xuống sai đường. Việc hít phải thức ăn hay dị vật có thể khiến cho người bệnh bị viêm phổi nặng, cần nhập viện cấp cứu.
Nguyên nhân
Bác sĩ Hằng cho biết, liệt dây thanh quản xảy ra do hai nhóm nguyên nhân chính là thần kinh và liệt cơ. Tuy nhiên, yếu tố thần kinh chiếm phần lớn các trường hợp vì dây thần kinh điều khiển và chi phối vận động của thanh quản. Một số nguyên nhân gây liệt dây thanh gồm:
Chấn thương cổ ngực: Cổ và ngực là hai vị trí liên quan của dây thanh. Việc xuất hiện chấn thương ở vùng cổ và ngực có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi phối dây thanh quản hoặc làm tê liệt dây thanh quản.
Đột quỵ: Đột quỵ làm gián đoạn quá trình đưa máu lên não cũng như gây ra tổn thương cho khu vực não có nhiệm vụ truyền tín hiệu đến dây thanh âm và gây tê liệt.
Chấn thương dây thanh quản: Các ca phẫu thuật thực hiện ở vị trí cổ và ngực như phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp, thực quản, cổ và ngực... cũng có thể gây ảnh hưởng dây thanh quản, cụ thể là chấn thương dây thanh quản.
Khối u: Cả khối u lành tính hay ác tính có thể phát triển trong hoặc xung quanh cơ, sụn, dây thần kinh kiểm soát chức năng của dây thanh và gây tê liệt.
Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng có thể gây viêm và làm tổn thương trực tiếp các dây thần kinh chi phối dây thanh.
Chẩn đoán
Để đánh giá chính xác tình trạng tổn thương dây thanh, bác sĩ có thể thực hiện những phương pháp sau:
Nội soi thanh quản: Khảo sát tình trạng dây thanh cũng như xác định vị trí và chuyển động của dây thanh để đưa ra những chẩn đoán chính xác.
Điện cơ thanh quản: Đây là phương pháp đo dòng điện trong cơ thanh quản của người bệnh. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ, đâm xuyên qua da cổ đến vùng cơ của dây thanh âm để đo lực của tín hiệu thần kinh từ não đến các cơ kiểm soát dây thanh.
Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh: Vì một số bệnh có thể gây tổn thương cho dây thần kinh kiểm soát dây thanh nên bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bổ sung như xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng phổi, chụp cộng hưởng từ (MRI) , chụp CT vùng cổ ngực...
Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và thời gian từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng liệt dây thanh quản, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khác nhau. Thông thường, người bệnh sẽ được điều trị bằng liệu pháp giọng nói, phẫu thuật hay kết hợp cả hai.
Âm ngữ trị liệu: Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập hoặc các hoạt động kích thích dây thanh, cải thiện khả năng kiểm soát hơi thở khi nói, ngăn chặn tình trạng căng thẳng bất thường của dây thanh bị liệt.
Phẫu thuật: Khi áp dụng liệu pháp giọng nói nhưng dây thanh không thể phục hồi, người bệnh cần phải phẫu thuật để cải thiện khả năng nói và nuốt.
Phòng ngừa
Bác sĩ Hằng chia sẻ một số cách phòng ngừa liệt dây thanh quản như sau:
Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người thường bỏ qua việc khám sức khỏe tai mũi họng định kỳ, nhất là giọng nói. Tuy nhiên, cũng giống như tim, phổi, thận... tai mũi họng đóng vai trò quan trọng và cần được thăm khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Hạn chế nói nhiều, nói liên tục: Nói quá nhiều hay nói ở âm lượng cao rất dễ gây ra tình trạng khàn tiếng, đặc biệt là những người làm công việc đặc thù như giáo viên, ca sĩ, kinh doanh, buôn bán... Nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở dây thanh.
Sống lành mạnh: Sống lành mạnh không chỉ thể hiện qua việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên mà còn ở chế độ ăn uống. Mọi người cần hạn chế những chất kích thích như bia rượu, cà phê và nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.
Triệu chứng thường gặp nhất của liệt dây thanh là khàn giọng. Tuy nhiên, nhiều người thường lầm tưởng đây là biểu hiện bình thường, thi thoảng xuất hiện như khi nói quá nhiều, bước vào tuổi dậy thì... Nếu bị khàn giọng kéo dài không rõ nguyên nhân từ 2-3 tuần hoặc khi có bất kỳ sự thay đổi nào về giọng nói gây khó chịu, người bệnh nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, tránh để lâu gây biến chứng nghiêm trọng.
Hoàng My