HPV (human papilloma virus) là virus gây u nhú ở người, thường lây truyền qua đường tình dục. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau, trong đó khoảng 40 chủng lây lan khi quan hệ tình dục, 15 chủng có thể gây ra những thay đổi đối với các tế bào ở cổ tử cung, nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.
HPV không tác động trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới. Tuy nhiên, việc loại bỏ các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư khỏi cổ tử cung có thể gây ra một số vấn đề về thụ thai.
Bradley J. Monk, phó giáo sư tại Trường Y khoa Irvine thuộc Đại học California, Mỹ, cho biết HPV phổ biến, có khoảng 75% phụ nữ sẽ mắc bệnh này ở tuổi 50. HPV có thể sống trong cơ thể nhiều năm mà không có triệu chứng, dù một số chủng có thể gây mụn cóc sinh dục. Cơ thể có thể dễ dàng chống lại và loại bỏ virus theo thời gian.
Một số trường hợp phụ nữ lớn tuổi hoặc hệ miễn dịch yếu, virus có thể không biến mất và gây ra những thay đổi đối với tế bào cổ tử cung. Hầu hết phụ nữ chỉ biết rằng họ nhiễm HPV sau khi thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
Nếu phụ nữ có kết quả bất thường và xét nghiệm dương tính với HPV, điều này không đồng nghĩa mắc ung thư cổ tử cung. Tiến sĩ Monk cho biết từ việc nhiễm HPV đến mắc ung thư cổ tử cung là một khoảng cách khá xa.
Việc điều trị các tế bào tiền ung thư phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tuổi tác, mức độ nghiêm trọng. Với trường hợp nhẹ, bác sĩ áp dụng phương pháp xét nghiệm Pap smear và soi cổ tử cung thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định một trong các kỹ thuật gồm liệu pháp áp lạnh, sinh thiết hình nón để loại bỏ một phần cổ tử cung, cắt cổ tử cung bằng vòng điện nhiệt (LEEP).
Các thủ thuật này có thể thu hẹp cổ tử cung và thay đổi đặc tính của chất nhầy cổ tử cung, cản trở tinh trùng di chuyển, khiến chúng khó tiếp cận với trứng hơn, dẫn đến khó thụ thai. Một số phương pháp điều trị cũng có thể khiến cổ tử cung yếu đi. Điều này không gây vô sinh hoặc khó mang thai nhưng khiến cổ tử cung mở rộng và mỏng đi, nguy cơ sinh non.
Dù vậy, theo tiến sĩ Monk, nguy cơ vô sinh do các thủ thuật điều trị trên rất thấp. Chưa có nghiên cứu nào cụ thể về vấn đề này, nhưng ông ước tính rằng tỷ lệ ảnh hưởng đến khả năng mang thai ở nữ giới chỉ dưới 5%.
HPV cũng không ảnh hưởng lớn tới thai kỳ. Khả năng lây truyền HPV sang thai nhi khi sinh qua đường âm đạo thấp. Sinh thường được khuyến khích hơn phương pháp mổ lấy thai, trừ khi bệnh nhân có mụn cóc lớn, cản trở đường sinh.
Ở nam giới, một nghiên cứu năm 2011 tại Italy cho thấy đàn ông có tinh trùng nhiễm HPV có thể bị vô sinh, khi thụ tinh với trứng có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai sớm. Nghiên cứu năm 2015 tại Mỹ kết luận rằng HPV có tác động tiêu cực đến khả năng vận động của tinh trùng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về tác động của HPV ở nam giới.
Anh Ngọc (Theo Healthline, Parents)