"Bé được 5 tháng tuổi, ăn ngoan, biết hóng chuyện rồi", anh Hoàng chia sẻ hôm 31/1 về niềm vui sau 8 năm hiếm muộn.
Kết hôn năm 2016, một năm sau không có con, anh Hoàng cùng vợ là chị Thảo, 30 tuổi, đi khám. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ anh không có tinh trùng, được khuyên xin tinh trùng hiến tặng để có con. Họ suy sụp, bỏ việc ở TP HCM về Đồng Nai điều trị bằng thuốc đông tây y.
Một năm sau, khăn gói trở lại TP HCM khám, anh Hoàng nhận thêm chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh, được phẫu thuật và lấy mẫu tinh hoàn sinh thiết vẫn không có tinh binh.
Từ năm 2018 đến 2022, họ trở lại TP HCM ba lần, đến các bệnh viện lớn và phòng khám hỗ trợ sinh sản, kết quả xét nghiệm ghi nhận chỉ 1-2 tinh trùng trong mẫu tinh dịch, được chỉ định xin tinh trùng hiến tặng nếu muốn có con.
"Gần như mọi hy vọng đều tắt", anh Hoàng kể.
Tháng 11/2022, anh đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), được khám, xét nghiệm nội tiết và di truyền bình thường.
Khi xét nghiệm tinh dịch đồ, chuyên viên phòng lab sử dụng kính hiển vi đảo ngược có độ phóng đại gấp 200 lần, soi tìm được vài tinh binh di động rải rác ở vài vị trí.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên cho biết anh Hoàng vẫn có cơ hội có con mà không cần phẫu thuật hay xin tinh trùng hiến tặng. Những công nghệ hiện đại như kỹ thuật trữ tinh trùng số lượng ít, công nghệ thụ tinh và nuôi cấy phôi tốt có thể giúp những trường hợp tinh trùng "siêu ít" được làm cha.
Anh Hoàng được gom tinh trùng. Lần đầu, các chuyên gia phòng lab soi tìm, góp nhặt được 3 tinh trùng đem trữ đông. Ở hai lần sau, số lượng thu được nhiều hơn, đủ một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Chị Thảo được kích thích buồng trứng, thu được 11 noãn trưởng thành. Chuyên viên phôi học rã đông toàn bộ tinh trùng, thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để thụ tinh trong ống nghiệm, tạo được 10 phôi, nuôi cấy được 8 phôi chất lượng tốt.
Chị Thảo được chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi tốt giúp đậu thai. Tháng 9/2023, bé trai 2,9 kg chào đời khỏe mạnh.
"8 năm đi khắp các bệnh viện, may mắn vợ chồng tôi không bỏ cuộc", anh Hoàng nói.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm tinh hoàn của anh Hoàng có kích thước khá nhỏ và mềm, không săn chắc như tiêu chuẩn. Đây là một trong những dấu hiệu chức năng đang suy giảm, tiên lượng tốc độ suy giảm càng nhanh trong thời gian tới. Bệnh nhân được hướng dẫn tái khám, tùy tình trạng và mức độ có thể bổ sung nội tiết phù hợp để hỗ trợ chức năng của tinh hoàn, cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh lý nam.
Theo bác sĩ Nguyên, nam giới suy giảm khả năng sinh tinh, thậm chí vô tinh, có thể do nhiều nhóm nguyên nhân như: rối loạn nội tiết; di truyền; các yếu tố khác như bệnh lý, môi trường, va chạm, chấn thương...
Quy trình sản xuất tinh trùng của tinh hoàn từ giai đoạn tinh tử đến tinh trùng trưởng thành và xuất hiện trong tinh dịch có thể kéo dài đến 3 tháng. Do đó, trường hợp xét nghiệm tinh dịch vô tinh, ngoài nội tiết, di truyền, cần xem xét các yếu tố khác là bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh... Tùy tình trạng có thể điều trị bổ trợ và theo dõi thêm một thời gian.
Bác sĩ có thể gom và trữ số lượng ít giúp bệnh nhân có con. Trường hợp người bệnh hoàn toàn không có tinh trùng trong mẫu xuất tinh và những xét nghiệm trước đó tương tự, cần phẫu thuật sớm để tìm kiếm tinh trùng trong mô tinh hoàn hoặc mào tinh. Xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm là phương án cuối cùng nếu các biện pháp trước đó không hiệu quả.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo suy giảm sinh tinh ở nam giới thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết. Do đó, vợ chồng khi kết hôn một năm chưa có con nên đến trung tâm hỗ trợ sinh sản khám toàn diện và điều trị kịp thời. Nam giới độc thân khi có các dấu hiệu bất thường như suy sinh dục, giảm ham muốn, đau hoặc các chấn thương liên quan ở cơ quan sinh dục... nên đi khám. Trường hợp cần thiết có thể trữ tinh trùng bảo tồn chức năng sinh sản tương lai.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |