Hiện nay, tình trạng "sốt đất" không chỉ đang xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, mà tồn tại ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Người người, nhà nhà đi buôn đất, đó là thực trạng dễ thấy thời gian gần đây.
Bạn bè tôi, nhiều người có trình độ đại học, kinh nghiệm đi làm cho doanh nghiệp lên tới 11-12 năm, nhưng giờ gặp lại, tôi cũng thấy họ lũ lượt nghỉ việc để đi buôn đất và môi giới bất động sản. Xóm tôi ở có năm nhà, thì tới ba trong số đó nghỉ việc đi buôn đất, làm "cò đất". Giá nhà đất vì thế cũng bị đẩy lên quá cao, ít nhất là đang gấp hai, ba lần so với giá trị thực tế và so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam.
Tháng 7/2021, tôi và chồng đi xem một vài miếng đất đất ở Hải Phòng. Khu vực tái định cư Đồng Bồ khi đó có giá 28 triệu đồng mỗi m2. Đến tháng 3/2022, tức là sau khoảng chín tháng, giá đất khu vực đó đã được đẩy lên thành 45 triệu đồng mỗi m2. Lân cận đó là khu tái định cư Đồng Giáp, có giá rao 40 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 7/2021, nhưng hiện nay là 65 triệu đồng một m2.
Tôi là một người có thu nhập tương đối (làm cho công ty nước ngoài, thu nhập sau thuế TNCN, bảo hiểm... rơi vào khoảng 20 triệu đồng một tháng). Sau khi trừ hết các chi phí nuôi bản thân, cho con ăn học và lo cho cuộc sống gia đình, tôi chỉ tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng trong khoảng 10 tháng qua. Vậy nhưng mảnh đất tôi muốn mua đã tăng tới 20 giá, tức khoảng 1,8 tỷ đồng. Nếu cứ với tình trạng thế này thì một người có thu nhập như tôi đến bao giờ mới mua được nhà, chưa kể những trường hợp thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng một tháng?
Ở Hải Phòng, còn có những khu vực tăng giá từ sáu triệu đồng một m2 (năm 2020) lên 26 triệu đồng một m2, tức tăng hơn 4,5 lần trong vòng hai năm. Tình trạng này thực sự rất đáng báo động, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi, nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để ổn định giá nhà đất, đưa nó trở về đúng giá trị thực tế. Tôi rất ủng hộ một số giải pháp đã được nhiều ý kiến nêu ra trong thời gian qua, như đánh thuế tài sản thứ hai, ngân hàng không rót tiền vào nhà đất, hoặc tăng lãi suất cao đối với bất động sản...
>> 'Giá nhà đất ở Việt Nam tăng vô lý'
Nói thêm về nghề môi giới bất động sản, hay quen gọi là "cò đất", đang xuất hiện nhan nhản ở nước ta. Tại các nước phát triển trên thế giới, để trở thành một người mua bán bất động sản, bắt buộc phải trải qua các khóa học kéo dài ít nhất khoảng sáu tháng, về quan vấn đề liên quan đến luật bất động sản, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng nghiệp vụ trong môi trường này. Trước khi được cấp chứng chỉ, học viên phải trải qua kỳ thi nghiêm ngặt. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra, người học có thể tham gia vào Hiệp hội để có thể trở thành một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có đủ điều kiện hành nghề và tuân thủ theo các quy định chung.
Riêng tại Mỹ và một số nước khác, để có thể trở thành môi giới bất động sản chính thống, bạn thậm chí còn phải mất nhiều thời gian hơn như vậy. Sau khi trải qua các khóa học đào tạo và các kỳ thi, họ phải làm việc cho các công ty môi giới ít nhất hai năm. Và nếu muốn trở thành một nhà môi giới, họ phải tiếp tục tham gia các khóa học, giống như khóa học tài chính, các vấn đề về thuế, bảo hiểm.
Ngoài ra, nhà môi giới còn phải học thêm các khóa học về luật áp dụng có các công ty bất động sản, đầu tư bất động sản, xây dựng, luật kinh doanh bất động sản, tài sản... Sau khi đậu các kỳ thi sát hạch và để chứng chỉ có hiệu lực, nhà môi giới còn phải làm việc cho các công ty bất động sản ít nhất ba năm tiếp theo.
Như vậy, phải mất ít nhất sáu năm để có thể trở thành một nhà môi giới bất động sản ở Mỹ và nhiều nước trên thới giới. Còn tại Việt Nam, Bộ Xây dựng đánh giá rằng, quy định thi sát hạch để thành môi giới còn quá dễ dàng. Ngoài ra, ở các địa phương, việc quản lý lực lượng môi giới bất động sản còn đang bị buông lỏng dẫn tới tình trạng "cò đất" tràn lan, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Thời gian qua, sốt tạo ra thực trạng hàng loạt người đổ xô làm "cò" tự phát. Tại một số địa phương như Bình Phước, Quảng Trị, đã diễn ra hoạt động môi giới bất động sản theo kiểu biến tướng, không tuân thủ pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản, phân lô đất nông nghiệp, quảng cáo không đúng sự thật.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản. Trong đó, chỉ 10 % người môi giới có chứng chỉ hành nghề. Cộng thêm việc buông lỏng kiểm soát hoạt động này, dẫn tới gia tăng việc phân lô bán nền, đầu cơ tích trữ, găm đất đẩy giá, lỡ cơ hội đầu tư của các dự án chính thống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.