Vài ngày qua, giới kinh doanh địa ốc ở tỉnh Bình Phước và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... đổ xô về khu vực đường ĐT753 xã Tân Lợi để "săn đất" khi có thông tin Bình Phước kiến nghị xây cầu nối Đồng Nai. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến sốt đất tại quê hương mình khi có dự án.
Nhà bố mẹ tôi ở một huyện nhỏ của tỉnh Lầm Đồng. Nghe tin mở cao tốc từ Dầu Giây lên Liên Khương thì đất lên giá khủng khiếp. Giữa năm 2017, giá đất tăng gấp ba lần so với năm trước, cho đến giữa năm 2021, đất lại tăng giá gấp đôi, gấp ba. Hoạt động mua bán đất vì thế cũng trở lên nhộn nhịp, phân lô bán nền nhan nhản. Nhiều người kiếm tiền tỷ dễ như chơi, có người mới mua miếng đất được một tháng, đem bán lại đã lời tiền tỷ. Chủ yếu họ là những người có tiền sẵn, mua đất đầu cơ chờ thời.
Còn người ít tiền, muốn mua để ở, biết giá sẽ lên nhanh nhưng không làm gì được.
Tôi có hỏi người bạn ở đây rằng lý do gì giá đất lại tăng phi mã như vậy? Bạn nói do sắp mở cao tốc, đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn, nên người thành phố đổ về đây mua rất đông. Đừng nói người nghèo, người thu nhập thấp, với giá đất hiện nay, ngay cả người thu nhập khá cũng chưa chắc đã mua được đất.
Với những người có vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ thì thu nhập của họ đã cao sẵn rồi, nên tiền dư của họ mang đi mua đất để đó, chắc chắn sẽ có lợi hơn gửi ngân hàng rất nhiều.
Thực ra, chuyện đầu cơ làm giàu từ đất không phải bây giờ mới có. Tôi còn nhớ, năm 2019, khi đó tôi có một tiệm photocopy. Một lần, có cô trung niên cầm hơn chục tờ sổ hồng ra photo (toàn sổ hồng của thành phố cấp), lần sau lại mang thêm một tờ ở chung cư quận trung tâm. Tôi hỏi: "Cô chú làm kinh doanh hay sao mà giàu thế?". Câu trả lời của cô sau đó làm tôi suy nghĩ không biết có phải vì lỡ lời hay vô ý? Cô nói: "Cô chú đều làm công chức chứ làm kinh doanh thì sao mà giàu được?".
>> 'Mê muội buôn đất làm giàu'
Đem chuyện kể lại với mấy người ở gần tiệm, tôi mới biết gia đình cô ấy ở ngay gần đây, có hai người con trai. Họ giỏi, biết kiếm tiền nên giàu. Điều đáng nói số tiền họ đem đi mua đất rất lớn, vậy thu nhập của họ từ đâu, đã đóng thuế thu nhập chưa? Vài năm gần đây bất động sản rất sốt, giá tăng cao chóng mặt.
Đi đâu, tôi cũng thấy người ta bàn tán về buôn bán nhà đất, phần đông họ chỉ mua để đầu cơ kiếm lời chứ không phải để ở. Ngay cả các căn chung cư, khi mở bán, nhân viên sale cũng cũng tư vấn cho khách cách thức để đầu tư sinh lời thế nào?
Có thể nói, đất hiện giờ là món hàng kinh doanh cực kỳ đắt giá. Đất càng sốt thì giá càng cao, càng có nhiều người bỏ tiền thu gom, mua đi bán lại. Tôi thấy ai ai cũng rủ nhau mua đất để làm giàu. Chính vì thế, những người thật sự cần đất để ở, an cư lạc nghiệp (chiếm số lượng rất lớn trong xã hội) lại không thể theo kịp giá nhà đất để mua. Việc kinh doanh đất chỉ mang lại nguồn thu lớn cho một bộ phận dân đầu cơ, nhưng tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa có các biện pháp, chế tài để ngăn chặn triệt để tình trạng trên?
Cuối năm 2021, giá đất đã tăng lến rất cao so với các năm trước, trong khi đây lại là năm Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19. Vậy vì đâu mà giá đất lại tăng ngược dòng như vậy? Nói về Luật thuế bất động sản đang được bàn tán sôi nổi thời gian gần đây, tôi thấy người có nhiều đất thì không muốn bị đánh thuế cao, còn người không có đất lại muốn tăng thuế để giảm giá đất. Còn riêng tôi tin rằng, nếu đánh thuế đất cao, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều số lượng người đầu cơ, thổi giá đất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.