Thời gian qua, sốt đất diễn ra nhiều nơi ở Việt Nam, kể cả ngoại thành hoặc các vùng quê. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; chuyên gia của Hiệp hội bất động sản Hà Nội và TP HCM liên tục cảnh báo thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt bong bóng. Câu hỏi được đặt ra là giá trị thật của bất động sản ở Việt Nam đang ở đâu, khi thu nhập của đại đa số người dân không cải thiện nhiều trong hai năm qua?
Đánh giá về thị trường bất động sản ở Việt Nam, độc giả Hohalod nhận định: "Tôi cho rằng giá bất động sản trong nước đang quá cao so với thu nhập bình quân của người dân. Như khu vực tôi sống, giá nhà đất đang tăng nhanh và cao "chóng mặt" dù không có vị trí tốt (khu vực nông thôn Bình Thuận). Mức thu nhập bình quân vào khoảng bảy triệu đồng (chưa trừ chi phí), đa số đều có 2-4 người phụ thuộc (con cái, cha mẹ hai bên). Trong khi đó, nhà đất nằm trong xóm (hẻm cụt) nhưng cũng đá có giá lên tới 60 triệu đồng (30 m2).
Thử hỏi nếu có ý định mua nhà, một cặp vợ chồng trẻ sẽ phải bỏ ra ít nhất 300 triệu đồng tiền đất, khoảng 250 triệu đồng trở lên để xây nhà ba phòng. Áp lực đối với người dân vùng nông thôn như chỗ tôi thực sự rất lớn với những gia đình có một, hai đứa trẻ".
Đồng quan điểm bạn đọc Quách Như Trường Diệp cho rằng, giá đất đang bị thổi lên quá mức: "Vừa rồi, tôi cho các con qua nhà dì tại một khu đô thị ở TP HCM chơi. Nghe kể rằng nhà bên đó có giá hiện tại cho mỗi căn trong trục đường nhỏ là 16-20 tỷ đồng, còn những căn ở trục đường lớn hơn thì vài chục tỷ. Trong thời gian mấy tiếng ngồi chơi, đi dạo vòng quanh khu đô thị, tôi nhận thấy phía trên là các máy bay cất cánh, hạ cánh với tiếng ồn động cơ rất lớn. Mặc dù ngồi trong tầng một của ngôi nhà, đóng kín cửa cách âm, nhưng ô nhiễm tiếng ồn vẫn ở mức rất cao.
Nếu tôi có tiền bỏ ra 18-20 tỷ đồng hoặc cao hơn để mua căn nhà nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc với tiếng ồn như vậy thì đúng là chẳng đáng chút nào. Thực sự, giá nhà đất đang bị thổi lên quá mức gấp rất nhiều lần so với mặt bằng chung thu nhập của người dân hiện tại. Nếu nhà nước không có chính sách hợp lý, e rằng hệ quả sau này sẽ rất lớn".
Theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, giá bất động sản trung bình ở Việt Nam hiện gấp khoảng 30 lần thu nhập bình quân của người dân; trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, ở Singapore là 5,2 lần. Ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ nhà đất là vấn đề cần giải quyết để giảm bớt sức ép lên nền kinh tế.
Độc giả XCravinManiac chỉ ra những bất cập trong thị trường bất động sản Việt Nam: "Giá nhà đất trong nước đang bị thổi phồng một cách vô lý, vượt xa giá trị thực của nó. Nhiều người sẽ hỏi vậy giá trị thực là bao nhiêu? Tôi xin trả lời rằng không có con số chính xác, nhưng nó chắc chắn phải ít hơn một vài lần so với hiện tại.
Tỷ lệ giá nhà đất so với thu nhập bình quân của người dân đang chênh quá cao so với các nước phát triển. Giá nhà đất nên ứng với chất lượng cảnh quan môi trường, dịch vụ, tiện ích xung quanh. Để so sánh, không cần phải sống tại các nước tiên tiến ở châu Âu, chúng ta cũng có thể nhận biết qua nhiều cách.
Có thể thấy, ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, ô nhiễm gần như quanh năm. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém, thể hiện bằng việc tự do xả rác (từ trẻ con đến người già), để vật nuôi của mình phóng uế bừa bãi. Bên cạnh đó, do quy hoạch kém nên sinh ra đường sá nhiều ngõ, ngách, hẻm, bất tiện cho việc đi lại. Ra tới phố thì vỉa hè bị xâm chiếm, ngoài đường thì giao thông ách tắc, tỷ lệ bao phủ của cây xanh quá khiêm tốn...
Nội thành có lợi thế gần bệnh viện, trường học nhưng hai nơi này lại quá đông đúc. Vùng quê không khí trong lành hơn nhưng lại thiếu thốn những tiện ích như ở thành phố. Nếu không có sự thay đổi thì khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày một tăng và cơ hội tiếp cận việc mua nhà của đại đa số người dân sẽ ngày một xa vời".
Vậy, cần làm gì để thị trường bất động sản Việt Nam trở về đúng giá trị thực của nó?
Còn bạn nghĩ sao về thị trường bất động sản trong nước hiện nay? Cần có biện pháp gì để ngăn chặn thực trạng sốt đất, tăng giá ảo?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.