Tôi hoàn toàn nhất trí với "Đề xuất xử phạt hành vi thao túng giá nhà đất" của các chuyên gia, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh, chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, các giải pháp quản lý thị trường bất động sản vẫn còn rất lỏng lẻo. Trong đó, môi giới bất động sản (cò đất) là một mắt xích vô cùng quan trọng những chưa được quản lý chặt chẽ. Lực lượng này cần phải được nâng cao về mặt chuyên môn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc của mình.
Ngày nay, tình trạng môi giới bất động sản không cần qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề, không có chuyên môn xuất hiện nhan nhản. Bất kể ai cũng có thể tham gia làm cò đất, từ người bán rau, ông thợ sửa xe, sinh viên, giáo viên... cho tới giám đốc. Chỉ nhìn qua thực tế đó, cũng đủ thấy được một sự lộm nhộm, không kiểm soát trong thị trường nhà đất Việt Nam. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp lừa đảo, lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho cả người mua và người bán chân chính.
Ngoài ra, còn rất nhiều mặt trái từ hoạt động môi giới bất động sản, mà cụ thể là giới "cò đất" gây nên như tiếp tay tạo nên những cơn sốt đất, khiến giá nhà đất tăng vọt, đưa đất đai thành hàng hóa đầu cơ chứ không phải mục đích phục vụ kinh tế cho địa phương.
>> 'Găm đất ngồi không cũng thành tỷ phú'
Theo tôi, Luật thuế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại ở Việt Nam, khi nguồn vốn trong xã hội chủ yếu tập trung vào ôm đất. Các công ty bất động sản và "cò đất" rợp trời, trong khi các công ty đầu tư cho chất xám và sáng tạo trong phát triển sản xuất kinh doanh lại rất ít ỏi. Đầu tư vào giáo dục đào tạo thấp, chất lượng nhân công thấp dẫn đến giá trị lao động và thu nhập thấp theo, chất lượng cuộc sống đi xuống, phân hóa người giàu (ôm đất) và người nghèo ngày càng tăng. .
Nói về chuyện làm giàu nhờ sốt đất, thực ra ai cũng thấy rõ sự bất công. Không phải họ ghen tỵ trước sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận trong xã hội, mà vì sự giàu có đó không đến từ tài năng hay sức lao động, mà là hình thái chuyển từ sức lao động của người dân đúc kết hàng thế hệ chảy vào túi của những người này.
Việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu minh bạch. Tất cả tạo nên một vòng đầu cơ luẩn quẩn, không tăng thêm giá trị cho xã hội.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, xuất hiện hàng loạt công ty địa ốc diễn trò bán đất nền. Điển hình là vụ việc dựng rạp bán đất như hàng chợ tại ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước hôm 20/2 do công ty TNHH Địa ốc Nam Khương thực hiện. Mới đây nhất, một vụ việc tương tự cũng diễn ra tại Triệu Phong, Quảng Trị với vở kịch bán 12 lô đất trong vài tiếng đồng hồ.
Điều đáng nói, mức phạt được đưa ra cho các hành vi diễn trò bán đất này khá nhẹ. Như Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương (đóng tại thị xã Bến Cát, Bình Dương) chỉ bị phạt 100 triệu đồng vì thực hiện hành vi Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản quy định tại Điều 59 Nghị định 16 của Chính phủ ngày 28/1/2022. Mức phạt nhẹ, công thêm việc thiếu quản lý lực lượng môi giới bất động sản, khiến hoạt động mua bán nhà đất vẫn diễn ra mất kiểm soát.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.