Quan điểm "tăng thuế chuyển nhượng", theo tôi sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi là ngăn tình trạng găm đất đầu cơ. Vì giá trị mua bán trên hợp đồng có thể làm lệch, thấp hơn nhiều so với giá trị thực mà các bên thỏa thuận. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi ở đây là tình trạng mua đất, găm đất vô thời hạn, không đưa vào sử dụng mà chủ đất chẳng lo lắng gì. Họ chỉ cần chờ thời đến là bỗng chốc chốt lời giàu nhanh. Thế nên, người người, nhà nhà bỏ tiền ra ôm đất, nguồn vốn không chảy vào đầu tư cho các lĩnh vực như giáo dục đào tạo và sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị cho xã hội.
Ngoài ra, về lâu dài, Nhà nước cũng sẽ thất thu, trong khi người có nhu cầu mua ở thực lại không mua nổi mặc dù đất vẫn nằm bỏ hoang ở đó, chẳng tạo ra giá trị gì. Vì thế, bài toán đặt ra ở đây là: cần phải giảm giá cho người dân mua lần đầu nhưng sẽ thu thuế hằng năm như vậy mới ổn thỏa. Điều đó vừa giảm áp lực người dân dồn vốn quá nhiều cho đất ở, để một phần cho họ đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn thu lợi từ thuế hằng năm một cách bền vững.
Ví dụ, hiện tại người dân có nhu cầu nhà ở mua một mảnh đất trị giá hai tỷ đồng đã là quá lớn, chưa kể chi phí làm nhà, nên họ sẽ làm kiệt quệ tài chính. Mặt khác, Nhà nước lại chỉ thu được một khoản lợi rất nhỏ vì miếng đất ấy có thể để nguyên vậy 1.000 năm. Nhưng bây giờ, nếu mảnh đất được rao bán 500 triệu đồng và hàng năm thu thuế thì sẽ được lợi cả đôi bên và không còn nạn đầu cơ găm đất thổi giá nữa.
Theo tôi, Luật thuế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam khi nguồn vốn chủ yếu tập trung vào ôm đất. Các công ty bất động sản và "cò đất" xuất hiện nhan nhản. Trong khi đó, các công ty đầu tư cho chất xám và sáng tạo trong phát triển sản xuất kinh doanh lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Đầu tư vào giáo dục đào tạo cũng thấp, chất lượng nhân công không cao, dẫn đến giá trị lao động và thu nhập cũng bị kéo tụt.
Thực tế đó tại nước ta khác xa so với các nước tiên tiến, nơi có các tập đoàn khoa học công nghệ và tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, mang về của cải cho đất nước họ. Hệ lụy là giá trị mang lại cho tiến bộ xã hội kém, lãng phí tài nguyên (nhiều nơi đất bỏ hoang nhưng người có nhu cầu ở lại không mua được). Chất lượng cuộc sống, phân hóa người giàu nghèo ngày càng tăng cao (chỉ cần ôm đất găm hàng và thổi giá là giàu nhanh).
Để một phần giảm bớt thực trạng này và đem lại mặt bằng giá chung hợp lý hơn tôi xin đóng góp hai giải pháp:
Thứ nhất, cần phải xem xét lại quy trình đấu giá đất, phải minh bạch và đồng bộ hơn. Có nhiều vấn đề trong đấu giá đất hiện nay bị các đối tượng dân đầu cơ, cò đất.. móc nối thao túng thị trường, dẫn đến đất đai bị thổi giá lên quá nhanh. Tạo ra một nghịch lý là người buôn đất chỉ ngồi uống cà phê lại giàu có hơn người lao động tạo ra của cải cho xã hội. Nguồn vốn tập trung vào ôm đất và người thiệt hại chính là người dân có nhu cầu ở thực, sức lao động cả đời đôi khi không mua nổi miếng đất để ở.
Để giải quyết tồn tại này, thứ nhất, đấu giá đất không nên lấy giá khởi điểm theo giá thị trường. Đây chính là con bài để dân đầu cơ, "cò đất" ôm găm thổi giá và hợp thức giá thổi của bất động sản. Giá khởi điểm phải dựa vào sức mua của từng khu vực trong đó tính dựa trên thu nhập bình quân đầu người ở đó. Lấy hệ số cho 10 năm thu nhập. Lũy tiến hằng năm tiếp theo chỉ nhích thêm một hệ số trượt giá do lạm phát.
Bên cạnh đó, cần quy định, sau khi trúng đấu giá đất, Nhà nước không cấp bìa đỏ ngay mà chỉ cấp giấy chứng nhận trúng lô đất. Khi nào người tham gia đấu giá xây dựng nhà ở xong và nộp đơn hoán đổi giấy chứng nhận thì mới cấp bìa đỏ. Thời hạn cho xây dựng không được quá ba năm, nếu người trúng thầu không thể xây dựng thì sẽ bị thu hồi kết quả, hoàn tiền và đấu giá lại cho người khác. Như vậy mới phần nào tránh được nạn người có tiền tiếp tục đầu cơ kết hợp với "cò" tham gia găm đất thổi giá.
Thứ hai, là thực hiện chính sách thu thuế về sở hữu bất động sản như các nước tiên tiến đã làm để những tài nguyên đất trước đây đang bị ôm găm sẽ phần nào được trả lại cho những người có nhu cầu thực. Làm được như vậy thì mới đảm bảo phát triển bền vững và công bằng hơn cho xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.