Thứ ba, 26/2/2019, 11:42 (GMT+7)

'Hợp tác kinh tế Việt - Triều sẽ thay đổi từ chuyến thăm lịch sử của Kim Jong-un'

Cựu tham tán Việt Nam ở Triều Tiên cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un có thể thảo luận về tiềm năng hợp tác kinh tế với Việt Nam.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào khi đến Việt Nam ngày 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào khi đến Việt Nam ngày 26/2. Ảnh: Giang Huy.

Ông Phạm Tiến Vân, cựu Tham tán Việt Nam tại Triều Tiên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, chia sẻ với VnExpress về việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

- Chuyến thăm của ông Kim Jong-un có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Đây là một sự kiện lịch sử, một mốc lớn trong quan hệ Việt Nam - Triều Tiên. Chuyến đi diễn ra sau 55 năm ông Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên đồng thời là ông nội của ông Kim Jong-un, thăm Việt Nam lần thứ hai vào 1964. Chuyến thăm này cho thấy sự kế thừa trong nội bộ Triều Tiên, sẽ tạo nên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước ở tầm cao, giúp vạch ra hướng phát triển quan hệ thời gian tới.

Từ năm 1951, Việt Nam coi quan hệ với Triều Tiên là hữu nghị truyền thống tốt đẹp, do lãnh đạo Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp. Vào những năm 1990, Việt Nam đã cung cấp cho Triều Tiên một số lượng gạo nhằm hỗ trợ. Tuy trong lịch sử có những nút trầm trong quan hệ nhưng hai bên vẫn trân trọng lẫn nhau. 

- Chuyến thăm mở ra những vấn đề gì?

- Chủ tịch Triều Tiên sẽ tạo nên bước phát triển mới trong quan hệ với Việt Nam, hợp tác chính trị - kinh tế giữa hai nước sẽ có những thay đổi sau chuyến thăm. Khi Bình Nhưỡng có nhu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, việc tăng cường hợp tác với Hà Nội, một người bạn truyền thống, là điều rất quan trọng. Việt Nam vừa là một đối tác, vừa có thể chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm về đổi mới, mở cửa thị trường, thu hút đầu tư. 

Về phía mình, Việt Nam có thể hỗ trợ Triều Tiên trên khía cạnh mong muốn đóng góp vào tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tôi cho rằng lãnh đạo hai nước sẽ bày tỏ mong muốn giữ gìn và phát triển quan hệ truyền thống, sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, ký thêm một số hiệp định pháp lý. Hai bên cũng sẽ trao đổi về tiềm năng hợp tác, các nghiên cứu thị trường nhưng chưa thể có đột phá về hợp tác kinh tế lúc này.

Việc gặp gỡ giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước tạo cơ sở cho phát triển quan hệ tốt, từ đó quan hệ giữa các bộ, ngành và địa phương thuận lợi. Hợp tác cụ thể phụ thuộc vào tiềm năng và bối cảnh quốc tế, khi lệnh trừng phạt với Triều Tiên được gỡ bỏ.

- Nếu Triều Tiên cải thiện quan hệ với Mỹ và mở cửa, Việt Nam có thể hợp tác các lĩnh vực gì?

- Hồi năm 2018, khi sang Triều Tiên công tác, tôi được biết người dân Triều Tiên rất yêu thích hàng Việt Nam. Do đó chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng tiêu dùng và lương thực vào Triều Tiên. Ngược lại Bình Nhưỡng có thể xuất các loại khoáng sản cho Hà Nội. Hai bên cũng có thể thực hiện phương thức hàng đổi hàng. Tuy nhiên các dự án hạ tầng lớn, hoạt động khai mỏ quy mô thì có thể do các nước lớn ở Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hợp tác thực hiện. 

Cựu đại sứ Phạm Tiến Vân. Ảnh: KL.

Cựu đại sứ Phạm Tiến Vân. Ảnh: KL.

Về đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham gia các dự án làm hạ tầng, xây dựng bất động sản, các dịch vụ du lịch, góp vốn vào các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và sử dụng lao động Triều Tiên tại chỗ. Hai nước cũng có triển vọng phát triển du lịch bằng cách khai thông đường tàu hoả từ Việt Nam qua Trung Quốc đến Triều Tiên, thậm chí tính đến việc mở đường bay thẳng.

- Cảm xúc của ông khi Việt - Triều có cơ hội cải thiện quan hệ? 

- Tôi có 15 năm học tập và công tác tại Triều Tiên, từ năm 1967. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kim Nhật Thành vào 1972, tôi làm phiên dịch, tuỳ viên ngoại giao, bí thư rồi tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên. Thời kỳ Việt Nam đang còn trong chiến tranh, Triều Tiên đã viện trợ cho Việt Nam về giáo dục và đào tạo. Tôi rất biết ơn chính phủ và người dân Triều Tiên khi đó, dù họ chưa sung túc nhưng vẫn nhường cơm xẻ áo cho các sinh viên Việt Nam. Lãnh đạo Kim Nhật Thành cũng hai lần thăm Ký túc xá dành cho sinh viên Việt Nam.

Dù thời gian đã khá lâu nhưng những người như tôi đều quan tâm đến Triều Tiên, mong muốn Triều Tiên có điều kiện phát triển kinh tế. Quan hệ hai nước phụ thuộc vào nhiều nhân tố bên ngoài vì cùng là nước nhỏ, chúng tôi mong hai bên luôn tin cậy lẫn nhau. Tôi cho rằng hai bên có thể xây dựng quan hệ tốt hơn, hướng tới những lợi ích to lớn trong tương lai. Với Việt Nam, chúng ta vẫn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hoá quan hệ với các nước. 

- Ông kỳ vọng gì về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sắp diễn ra ở Hà Nội?

- Tôi cho rằng hội nghị này sẽ có tiến triển đáng kể, vì đây là lúc mà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ cùng gặp nhau ở một điểm: quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo, vấn đề được coi là di sản cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc từ năm 1953. 

Với Tổng thống Mỹ Trump, ông có động lực lớn rằng chính quyền của mình sẽ giải quyết được vấn đề Triều Tiên, điều mà những người tiền nhiệm chưa làm được. Việc Trump trực tiếp gặp Kim Jong-un khiến tôi tin rằng ông sẽ đi đến cùng. 

Về phía Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, đây là thời điểm ông dùng các kết quả trong chương trình hạt nhân làm phương tiện để đàm phán với các bên liên quan. Qua những trao đổi với người Triều Tiên, tôi hiểu rằng họ phát triển vũ khí hạt nhân trong mấy chục năm qua không phải nhằm cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các nước khác, mà để bảo đảm an ninh cho thể chế của mình, đảm bảo cho phát triển kinh tế. Có nghĩa là các nước cần cư xử bình đẳng, bình thường hoá quan hệ, tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển kinh tế, cam kết bảo đảm an ninh.

Tôi cho rằng Triều Tiên không phát triển hạt nhân mãi, không thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng mãi.

- Vì sao ông tin vậy?

- Điều đó thể hiện trong chính sách của các lãnh đạo Triều Tiên từ lâu. Mặc dù có không khí thù địch với Hàn Quốc và Mỹ, nhưng lãnh đạo Kim Nhật Thành khi còn sống cho biết sẵn sàng đàm phán với lãnh đạo có tư tưởng tiến bộ ở hai nước nói trên. Hàn - Triều đã duy trì đàm phán qua mấy chục năm, Tổng thống Mỹ Carter cũng từng thăm Bình Nhưỡng. 

Với Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in là người quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo, thực hiện các bước đi mạnh bạo. Ông trực tiếp gặp Chủ tịch Triều Tiên và làm trung gian giữa Mỹ - Triều. Có người nói ông Moon đang "chơi một canh bạc chính trị" bằng chính uy tín của mình.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một quá trình. Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên không thể gặp nhau một hay hai lần là có thể giải quyết được vấn đề hạt nhân, họ có thể gặp thêm lần ba hoặc bốn nữa. Tại hội nghị tại Hà Nội lần này, hai bên sẽ đi vào thảo luận và đưa ra quyết định về các vấn đề cụ thể. Đó có thể là việc ký hiệp định chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, bước đi thể hiện việc phi hạt nhân là tiến trình chắc chắn, nới lỏng lệnh trừng phạt, lập văn phòng liên lạc của Mỹ - Triều để hướng tới bình thường hoá quan hệ.

Khánh Lynh

 

Chia sẻ bài viết qua email