Ngưng thở khi ngủ là hội chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, nhịp thở bị gián đoạn, ngừng trong khoảng thời gian trên 10 giây, lặp đi lặp lại, dẫn đến việc cơ thể thiếu oxy và mệt mỏi. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có 2 dạng chính là ngưng thở do tắc nghẽn đường hô hấp và ngưng thở trung ương.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như não, tim, phổi, thận. Chính vì vậy, tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gây nguy cơ đột tử.
Hội chứng này được coi là "sát thủ âm thầm" vì khó phát hiện, kể cả khi đã được phát hiện, tình trạng ngưng thở khi ngủ vẫn có thể bị bỏ qua do tâm lý chủ quan của người bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phùng Thị Thơm, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chỉ ra nhiều biến chứng nguy hiểm của hội chứng ngưng thở khi ngủ như: đột quỵ não, nhồi máu não; nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp; đái tháo đường khó kiểm soát, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa; trào ngược dạ dày - thực quản; rối loạn tình dục (ở cả nam và nữ giới); tăng cân, trầm cảm, thay đổi tính tình; lạm dụng rượu hoặc thuốc ngủ để được ngủ. Hội chứng này có thể làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, tai nạn lao động do chất lượng giấc ngủ kém khiến người bệnh không tỉnh táo, đặc biệt nguy hiểm ở những người làm công việc cần sự tập trung chú ý cao độ như lái tàu xe, phi công, điều khiển máy móc...
Nhận biết sớm, điều trị kịp thời
Ai cũng có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhất là nam giới ở độ tuổi trung niên thừa cân, béo phì. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ cần lưu ý:
- Ngáy to khi ngủ: đây là biểu hiện dễ nhận biết nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ đều ngáy và ngược lại.
- Gián đoạn nhịp thở khi ngủ: triệu chứng này có thể được phát hiện nhờ người thân hoặc bác sĩ theo dõi
- Khó thở khi ngủ do đường thở tắc nghẽn
- Khô miệng khi thức giấc do tắc đường thở nên người bệnh phải tăng cường thở miệng
- Nhức đầu buổi sáng: không có giấc ngủ sâu khiến người bệnh thức dậy luôn cảm thấy mệt, uể oải, nhức đầu
- Khó ngủ, mất ngủ
- Buồn ngủ ban ngày, khó tập trung vào ban ngày
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phùng Thị Thơm khuyến cáo cần chú ý tìm triệu chứng của ngưng thở khi ngủ ở những đối tượng có tình trạng thừa cân, béo phì; có thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu...; có vách ngăn mũi bị lệch, xoang hoặc dị ứng gây khó thở; cổ có kích thước lớn. Những người gặp các vấn đề về cấu trúc đường hô hấp như: lưỡi lớn, vòm họng nhỏ, amidan sưng to, hàm nhỏ... hoặc có yếu tố di truyền từ người trong gia đình mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Anh Ngọc