Hội chứng "mông chết" là tình trạng các cơ mông không thể phản ứng hay hoạt động như bình thường, không thực hiện được chức năng hỗ trợ xương chậu và giữ cho cơ thể đứng thẳng. Thuật ngữ lâm sàng cho tình trạng này là bệnh lý gân cơ mông, cũng thường được gọi là chứng quên cơ mông. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến lưng, đầu gối và những bộ phận khác của cơ thể.
Nguyên nhân
Lối sống ít vận động, ngồi hoặc nằm quá nhiều là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hội chứng "mông chết". Tư thế ngồi kéo dài khiến cơ gấp hông bị siết chặt và cơ mông dài ra. Cơ gấp mông là nhóm cơ xuất phát từ lưng dưới đến xương chậu và mặt trước của đùi. Nhóm cơ này chịu trách nhiệm di chuyển chân khi bạn đi bộ, chạy và leo cầu thang.
Các cơ ở hai bên khớp có mối quan hệ cho và lấy, khi một cơ co bóp, tín hiệu thần kinh sẽ gửi đến cơ bắp đối lập để cơ đó thư giãn. Khi ngồi nhiều tại một vị trí liên tục trong nhiều giờ, các cơ vùng hông hoạt động nhiều bằng cách co lại để duy trì tư thế ngồi. Ngược lại, nhóm các cơ mông hay cơ mông lớn sẽ được nghỉ ngơi, không hoạt động. Bỏ quên cơ mông trong một thời gian dài sẽ làm chúng ngày càng yếu đi, thậm chí có thể mất chức năng.
Không chỉ xảy ra ở những người ít vận động, hội chứng này cũng gặp phải ở những vận động viên chạy marathon hay những người thường xuyên tập luyện cơ đùi như squat, nguyên nhân là do sự mất cân bằng hoạt động hai nhóm cơ ở hai bên khớp, khi cơ này hoạt động quá nhiều thì bên còn lại sẽ thư giãn.

Ngồi nhiều dễ ảnh hưởng đến cơ mông, gây ra tình trạng đau ở khu vực xung quanh như lưng, đầu gối... Ảnh: Healthshot
Triệu chứng
Triệu chứng thường gặp nhất là sau khi ngồi một thời gian, các cơ ở mông bị tê hoặc hơi đau, nhưng ổn định trở lại sau khi đi bộ và thực hiện một số động tác co duỗi nhẹ. Triệu chứng nghiêm trọng hơn là đau và căng cứng ở nhiều vị trí. Bạn có thể bị đau ở cả hai bên hông, lưng dưới, đầu gối. Các cơn đau có thể lan xuống chân, cảm giác như đau thần kinh tọa.
Nếu hội chứng mông chết không được điều trị, bạn sẽ gặp tình trạng yếu cơ mông và cơ hông. Nếu một bên bị ảnh hưởng, cảm giác đau sẽ xuất hiện khi nằm nghiêng về bên đó. Hội chứng mông chết có thể dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch (một túi chứa đầy chất lỏng giống như thạch, có vai trò giống miếng đệm giúp giảm sự cọ xát giữa xương và mô mềm), gây đau và sưng tấy xung quanh vùng bị ảnh hưởng.
Hội chứng này cũng kích hoạt các vấn đề về tư thế cân bằng cũng như dáng đi, từ đó có thể gây đau ở phần cẳng chân.
Một triệu chứng khác là khi bạn muốn giảm cơn đau ở lưng và hông lúc bước hoặc chạy bằng cách thay đổi sải bước chân, nhưng điều này lại gây căng thẳng lên đầu gối, mắt cá, bàn chân, và tình trạng đau nhức xuất hiện ở những vị trí xa mông.
Phòng ngừa
Biện pháp đơn giản nhất để ngăn ngừa hội chứng "mông chết" là hạn chế ngồi quá lâu, thay vào đó đi lại thường xuyên hơn. Bạn có thể cài đặt nhắc nhở trên điện thoại và máy tính để lưu ý vận động sau mỗi giờ ngồi làm việc, học tập. Vận động cơ thể sẽ giúp lưu thông máu và giúp các cơ vận động.
Động tác lên xuống cầu thang rất hữu ích trong việc ngăn ngừa hội chứng này, không chỉ kích hoạt các cơ và gân bị ảnh hưởng mà còn là kiểu tập luyện kháng lực, giúp nâng cao sức khỏe tim mạch. Một số động tác đơn giản như squat cũng giúp duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cơ mông, cơ gấp hông và khớp háng.
Thảo Miên (Theo Healthline)