BS.CKI Nguyễn Hoàng Thi, khoa Ngoại Cột sống, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thông tin, giải thích thêm khi sử dụng các thiết bị công nghệ, vùng cổ và lưng trên có hiện tượng co cơ tĩnh để duy trì tư thế làm việc trong một thời gian dài. Khi co cơ tĩnh quá mức, năng lượng dự trữ trong cơ cạn kiệt, gây mỏi. Một số bó cơ co thắt và mất khả năng giãn ra, tạo thành điểm đau nhói trong cơ. Các tư thế xấu làm một số nhóm cơ phải làm việc nhiều hơn bình thường, tăng nặng triệu chứng hoặc gây ra các vấn đề xương khớp. Trong đó, hội chứng cổ rùa là tình trạng phổ biến.
Theo bác sĩ Thi, hội chứng cổ rùa có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng phổ biến ở thanh thiếu niên. Nguyên nhân do sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài như thường xuyên sử dụng điện thoại. Trung bình, đầu của một người trưởng thành nặng 4-5 kg nhưng để nhìn rõ màn hình, đầu có xu hướng đưa ra trước, cổ cúi xuống, làm áp lực ở vùng cổ có thể tăng lên tới 27 kg. Điều này khiến các cơ vùng cổ sau và các khối khớp chịu tải quá mức, bị chấn thương do căng thẳng lặp lại, gây đau cổ vai và vùng lưng trên. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, lâu ngày có thể gây mất đường cong sinh lý cột sống cổ và thúc đẩy thoái hóa đốt sống cổ diễn ra nhanh hơn.
Một số dấu hiệu đặc trưng cảnh báo hội chứng cổ rùa như đau, căng cứng, co rút và giảm phạm vi chuyển động vùng cổ vai; đau đầu, chóng mặt, đau mắt; cảm giác ngứa ran và tê ở các chi trên... Khi phát hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn.
Theo bác sĩ Thi, đa phần tình trạng đau này có thể được điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc, kết hợp với nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu. Các bài tập được thiết kế cho từng người bệnh cụ thể, tác động lên các cơ bị ảnh hưởng, giúp thư giãn và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Từ đó, điều chỉnh lại tư thế, giảm đau và tăng tầm vận động của cột sống. Dù ít khi xảy ra nhưng các tổn thương xương khớp, đĩa đệm do sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể gây chèn ép thần kinh, phải điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ Thi cho biết hệ thống thiết bị hiện đại như robot cảnh báo tình trạng chạm vào dây thần kinh, cánh tay C-Arm có khả năng chụp X-quang liên tục..., phẫu thuật cột sống hiện nay có độ hiệu quả và an toàn cao.
Ngoài cổ và lưng, sử dụng điện thoại thường xuyên còn có thể gây đau một số vị trí khác. Cụ thể, khi thực hiện các thao tác như lướt điện thoại, nhắn tin liên tục..., ngón tay cái không ngừng co lại và duỗi ra, tình trạng này kéo dài gây tổn thương gân, dây chằng bao khớp ngón tay. Trong khi đó, cổ tay bị giữ trong tư thế cong gập, gây áp lực lên dây thần kinh giữa ở cổ tay. Lúc này, người bệnh cảm thấy tê, ngứa ran, đau ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, lâu ngày có thể làm giảm sức cầm nắm và khả năng vận động cổ tay.
Để bảo vệ sức khỏe xương khớp nói chung, tránh đau cổ vai gáy khi sử dụng điện thoại, bác sĩ Thi lưu ý người dùng thiết bị điện tử nên để ngang tầm mắt, nghỉ ngơi sau mỗi 15 -30 phút sử dụng. Thực hiện các bài tập kéo giãn cơ vùng cổ, chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và ngủ sâu giấc giúp cơ nạp lại năng lượng sau ngày dài làm việc.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |