Ông Thắng tiêm insulin được hai tháng thì bỏ do sợ vết bầm, chỉ uống thuốc và tự tăng liều mỗi khi cần. Một tuần trước khi nhập viện, vết chai ở chân sưng đỏ, đau nhức, ông tự mua thuốc kháng sinh uống ba ngày không bớt. Bàn chân sưng phù tới mắt cá chân, dần chuyển sang màu tím, có mùi hôi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 24/2, thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chỉ số đường huyết của ông Thắng tăng cao, thường xuyên trên 250 mg/dl (bình thường khoảng 70-130 mg/dl). Lòng bàn chân trái có ổ áp xe, sưng, hoại tử gây đau nhức khiến ông không đi được.
Bệnh nhân được điều trị kiểm soát nhiễm trùng lan rộng, dùng insulin ổn định đường huyết. Theo bác sĩ Linh, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, tình trạng nhiễm trùng khó kiểm soát, vết thương chậm lành, khó chữa.
Sau một ngày, bác sĩ rạch ổ áp xe sâu gần 2 cm để tháo mủ ra, sát khuẩn, cắt lọc các mô hoại tử. Sau một tuần, vết thương sạch, hết sưng đau, ông Thắng được xuất viện.
Bác sĩ Linh cho biết người bệnh phải dùng insulin, nếu tiêm sai cách dễ gây loạn dưỡng mô mỡ, bầm ở vị trí tiêm. Để khắc phục cần tiêm insulin đúng cách và thay đổi vị trí tiêm giữa các lần.
Người bệnh tiểu đường được khuyến cáo nên ăn uống lành mạnh, uống thuốc đúng liều lượng bác sĩ chỉ định để kiểm soát tốt đường huyết, tránh biến chứng. Đường huyết cao gây tổn thương và giảm chức năng các mạch máu, thần kinh, tim, phổi, thận...
Mạch máu và thần kinh bị giảm chức năng là yếu tố gây biến chứng bàn chân tiểu đường, như biến dạng bàn chân, xuất hiện các vết loét, dễ nhiễm trùng nặng, nhất là ở người tiểu đường lâu năm hoặc người kiểm soát đường huyết không tốt.
Người bệnh tiểu đường nếu phát hiện có vết chai chân cần đến bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được điều trị, chăm sóc nhằm tránh biến chứng nặng, tốn kém chi phí điều trị. Ngoài nốt chai chân, người bệnh đến viện khám khi có các tình trạng khác như móng quặp, có vết thương ở chân, mụn nhọt, hình dạng chân bị thay đổi, hay lạnh chân, tê chân, đau chân khi đi...
Người bệnh tiểu đường nên tầm soát biến chứng bàn chân 6-12 tháng một lần. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có chỉ định thời gian và số lần khám trong năm cho mỗi người bệnh.
Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |