Trả lời:
Hen phế quản (hen suyễn) khá phổ biến tại nước ta với khoảng 4 triệu người mắc, theo ước tính của Bộ Y tế. Đây là bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp, khiến đường thở trở nên sưng phù và dễ bị co thắt khi gặp dị nguyên, gây ra các triệu chứng như ho, nặng ngực, khò khè và khó thở. Các triệu chứng này thay đổi về thời gian và cường độ, có thể tự hết sau một khoảng thời gian hoặc sau khi dùng các thuốc giãn phế quản.
Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính nên việc điều trị cũng mạn tính. Hiện chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào có thể điều trị dứt điểm hen suyễn. Người bệnh có thể thấy đỡ hoặc hết triệu chứng tại một thời điểm, nhưng điều đó không có nghĩa là khỏi bệnh vĩnh viễn. Nếu tự ý ngưng thuốc, cơn hen có thể quay lại bất cứ lúc nào khi tiếp xúc với tác nhân kích thích. Đây là vấn đề các bác sĩ chuyên khoa hô hấp luôn phải căn dặn kỹ người bệnh hen, vì đa phần người bệnh đều có tâm lý chủ quan, bỏ thuốc sau khi thấy triệu chứng cải thiện.
Phác đồ điều trị hen suyễn tối ưu nhất hiện nay là kết hợp giữa dùng thuốc theo đơn bác sĩ với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây khởi phát hen trong cuộc sống hàng ngày. Các yếu tố này bao gồm khói thuốc lá, mạt bụi nhà, lông thú nuôi, nấm mốc...
Bên cạnh đó, một số bệnh lý có thể khởi phát cơn hen suyễn như nhiễm trùng do cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm siêu vi hợp bào hô hấp, viêm xoang, trào ngược axit dạ dày. Hít không khí lạnh và khô, sử dụng một số loại thuốc như aspirin, thực phẩm, gia vị, hương thơm cũng có thể gây khởi phát cơn hen. Đặc biệt, những cảm xúc mạnh như lo lắng, tức giận hoặc stress quá mức đều có thể dẫn đến cơn hen cấp.
Để phòng ngừa đợt cấp của hen suyễn, người bệnh cần cai thuốc lá (nếu có hút), tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc. Mặt khác, cần tránh để không khí trong nhà bị ô nhiễm, tránh hít phải không khí ô nhiễm bên ngoài, không hoạt động thể lực cường độ cao ở nơi có tình trạng ô nhiễm nặng, thời tiết quá lạnh hoặc độ ẩm thấp; hạn chế đến nơi đông người trong những đợt bùng phát virus gây bệnh đường hô hấp.
Người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau và trái cây tươi, không dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng; tăng cường tập luyện vận động để cải thiện sức khỏe. Người bệnh cũng cần tránh các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc chẹn beta.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, người bệnh hen cần học cách kiểm soát cảm xúc. Việc giận dữ hoặc sợ hãi quá mức đều có thể là nguyên nhân khởi phát cơn hen, nhất là khi không dùng thuốc kiểm soát hen đầy đủ. Trong trường hợp đó, khuyến khích người bệnh giải tỏa cảm xúc bằng cách tập thư giãn hoặc hít thở phù hợp.
Hen suyễn không thể chữa khỏi nhưng người bệnh không nên quá lo lắng. Nếu tuân thủ dùng thuốc và lịch tái khám của bác sĩ, kết hợp dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, người bệnh vẫn có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, thoải mái tận hưởng mọi niềm vui của cuộc sống như người khỏe mạnh.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thành Đô
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội