Hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là bệnh mạn tính của phổi, do đường thở bị viêm dẫn đến chít hẹp gây khó thở cho người bệnh. Bệnh hen suyễn khi trở nặng có thể gây khó khăn khi hoạt động, làm việc, học tập và sinh hoạt thường ngày. Theo số liệu năm 2018-2019, tại Mỹ, có đến 8,4% người trưởng thành trên 18 tuổi bị hen suyễn và có khoảng gần 1,6 triệu lượt khám cấp cứu mỗi năm.
Theo bác sĩ Lã Quý Hương - Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người mắc hen suyễn có thể sống bình thường nếu được điều trị hen suyễn đúng cách. Ngược lại, nếu điều trị không đúng phác đồ, người mắc bệnh hen suyễn có thể phải thường xuyên đến phòng cấp cứu hoặc nhập viện vì các đợt khó thở và có thể nguy hại đến tính mạng.
Trong các cơn hen phế quản cấp có tình trạng chít hẹp đường thở do: các dải cơ xung quanh đường thở bị co thắt bởi tác động của các chất hóa học sinh ra trong quá trình viêm (gọi là co thắt phế quản), niêm mạc của đường thở bị sưng phù, tăng tiết nhiều chất nhầy nhiều và đặc hơn ở các tế bào lót đường thở.
Các cơn co thắt phế quản, viêm và việc sản xuất chất nhầy gây ra triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè, nặng ngực... khiến các hoạt động bình thường hàng ngày gặp khó khăn, người bệnh phải đi khám cấp cứu hoặc nhập viện.
Triệu chứng thường gặp
Bác sĩ Lã Quý Hương cho biết các triệu chứng thường gặp của bệnh là: thở khò khè nghiêm trọng; ho không ngừng; thở gấp, ngồi bám vào thành giường cúi người về phía trước để thở; tức nặng ngực; co kéo các cơ hô hấp phụ ở vùng cổ và ngực (rút lõm ở hõm ức); khó nói chuyện (nói câu ngắn hoặc chỉ nói được từng từ gọi là nói đoản hơi); cảm giác lo lắng, hoảng sợ; mặt nhiều mồ hôi, nhợt nhạt; môi hoặc đầu chi xanh, tím.

Người bệnh nên chuẩn bị bên mình các loại thuốc xịt hen suyễn được bác sĩ chỉ định, khuyên dùng.
Theo bác sĩ Hương, cơn hen suyễn có thể nhanh chóng chuyển biến tồi tệ hơn. Do đó, cần kiểm soát các triệu chứng càng sớm càng tốt, nếu không người bệnh có thể bị suy hô hấp nặng đe dọa tính mạng.
Cơn hen suyễn có thể kiểm soát được bằng cách sử dụng các loại thuốc xịt (corticoid, thuốc giãn phế quản), thở oxy trong trường hợp suy hô hấp theo chỉ định.
Nếu bạn sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh tại thời điểm lên cơn hen, lưu lượng đỉnh có thể sẽ giảm hơn 50% so với giá trị bình thường của bạn. Các biện pháp điều trị nên được bắt đầu từ khi lưu lượng đỉnh còn 80% bình thường.
"Trong những cơn hen phế quản nặng, người bệnh có thể không nói được và sẽ có màu hơi xanh quanh môi. Xanh tím là cách gọi cho hiện tượng thay đổi màu sắc này, có nghĩa là bạn ngày càng có ít oxy trong máu, lâu dần dẫn đến mất ý thức và có nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Hương lưu ý.
Bác sĩ Lã Quý Hương cho biết, khi bị hen suyễn, đường thở của người bệnh phản ứng với một số thứ trong thế giới xung quanh, gọi là tác nhân gây khởi phát cơn hen. Những tác nhân này gây khởi phát triệu chứng hoặc làm bệnh tiến triển nặng.
Tác nhân gây hen suyễn
Các tác nhân gây hen suyễn có thể kể đến như:
- Nhiễm trùng như viêm mũi xoang, cảm lạnh, cúm.
- Các chất gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, bụi, mạt nhà.
- Các chất kích ứng như nước hoa, dung dịch vệ sinh.
- Ô nhiễm không khí.
- Khói thuốc lá.
- Không khí lạnh hoặc thay đổi thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi đột ngột.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Các cảm xúc mạnh như buồn, lo lắng, căng thẳng, cười...
- Thuốc aspirin.
- Chất bảo quản thực phẩm được gọi là sulfite, được tìm thấy trong thực phẩm như tôm, dưa chua, bia và rượu, trái cây khô và nước chanh, chanh đóng chai...
Bên cạnh các tác nhân trên, bệnh hen suyễn còn liên quan đến nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn bao gồm:
- Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh hen suyễn, trong gen có yếu tố hen suyễn.
- Tiền sử nhiễm virus: Những người có tiền sử nhiễm virus nghiêm trọng trong thời thơ ấu (ví dụ như RSV) có thể có nhiều khả năng mắc bệnh.
- Trẻ nam có nhiều khả năng bị hen suyễn hơn trẻ nữ. Ngược lại ở thanh thiếu niên và người lớn, bệnh phổ biến hơn ở nữ giới.
- Do yếu tố công việc: làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, khí độc.
- Tình trạng khác như dị ứng, nhiễm trùng phổi.
- Các tình trạng khác như béo phì.
Điều trị, kiểm soát hen suyễn
Bác sĩ Hương cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hen suyễn có thể làm dịu các triệu chứng của người bệnh và làm ổn định tình trạng hen được gọi là kiểm soát hen tốt. Bác sĩ theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân lập một kế hoạch chữa bệnh hen suyễn, trong đó phác thảo phương pháp điều trị và các loại thuốc.
Tuy nhiên, các thuốc chữa hen suyễn cần được chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tùy ý sử dụng. Việc bác sĩ lựa chọn thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh để quyết định. Người bệnh hen cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám định kì, dùng thuốc đều đặn.

Bác sĩ Lã Quý Hương tư vấn cho người bệnh cách điều trị hen suyễn cũng như cách sử dụng các loại thuốc xịt hen suyễn. Ảnh BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Lã Quý Hương cũng khuyến cáo, bên cạnh tuân thủ điều trị hen suyễn người bệnh cần làm một số việc tại nhà để giúp hạn chế các cơn hen như: tránh các tác nhân gây hen suyễn, luyện tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, thực hiện các bài tập thở giúp các triệu chứng được giảm bớt để cần ít thuốc hơn, một số người sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung như yoga, châm cứu, không nuôi chó mèo, chim cảnh, không hút thuốc, không sử dụng thảm len hoặc thú nhồi bông, rèm cửa phải được giặt giũ thường xuyên, không để tường nhà bị nấm mốc,...
Khi không được kiểm soát bằng các thuốc chữa hen suyễn, bệnh hen suyễn có thể gặp các vấn đề sức khỏe như: mệt mỏi, ít vận động và tăng cân, khó tập trung, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm...
"Hen suyễn cũng có thể dẫn đến tình trạng bệnh lý nghiêm trọng bao gồm: viêm phổi, sảy thai, sinh non. Các ống phế quản bị thu hẹp vĩnh viễn trong phổi, ung thư phổi, suy hô hấp... Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người bệnh nên xin lời khuyên từ bác sĩ để tiêm vaccine phòng một số bệnh để giảm nguy cơ diễn biến nặng của hen phế quản như vaccine Covid-19, cúm, viêm phổi, zona, ho gà...", bác sĩ Hương lưu ý thêm.
Anh Chi