Trả lời:
Hướng dương là loại hạt được ưa chuộng sử dụng trong dịp Tết. Các gia đình thường sử dụng hạt hướng dương để nhâm nhi trong các buổi tụ họp, tạo cảm giác ấm cúng, giúp câu chuyện kéo dài hơn. Hạt hướng dương đặc biệt giàu vitamin E và selen, có chức năng như chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, làm giảm tốc độ lão hóa. Ngoài ra, trong hạt hướng dương còn có chứa axit phenolic và flavonoid, hai chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư phổi.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, ăn nhiều hạt hướng dương có thể gây tác dụng phụ. Hạt có cấu tạo vỏ ngoài cứng, bên trong là lớp màng lụa, cuối cùng là nhân. Khi ăn, chúng ta thường cắn để tách vỏ, ăn phần nhân và lớp màng lụa. Lớp màng lụa có đặc tính giòn, vụn, dễ bám vào cổ họng gây kích thích, dẫn đến ho, về lâu dài gây khản giọng.
Mặt khác, cắn hạt hướng dương không khéo có thể khiến vỏ hạt vỡ nát, dễ nuốt nhầm. Vỏ hạt có cạnh sắc nên có thể gây tổn thương niêm mạc họng khi nuốt. Hơn nữa, vỏ hạt hướng dương rất dai, khó nhai, chứa nhiều chất xơ là lignin và cellulose mà cơ thể không thể tiêu hóa được, nuốt vỏ hạt nhiều có thể gây táo bón, tắc ruột.
Có trường hợp ăn hướng dương bị dị ứng do một số acid amin trong protein có liên kết với với IgE gồm albumin SFA-8/SSA chứa methionine cao. Dị ứng với hạt hướng dương có thể gây cơn hen cấp, sưng miệng, ngứa miệng, phát ban trên da, nôn mửa, thậm chí sốc phản vệ. Ngoài ra, hạt hướng dương không được bảo quản tốt còn dễ sinh aflatoxin - một loại độc tố do nấm mốc Aspergillus tạo ra, có thể gây ngộ độc cấp khi nuốt phải.
Mặc dù hạt hướng dương có nhiều lợi ích và giúp các cuộc trò chuyện ngày đầu năm thêm rôm rả, nhưng mọi người chỉ nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Người đang có bệnh hô hấp, đặc biệt là hen suyễn nên cẩn trọng khi ăn hạt hướng dương, nên dùng tay bóc vỏ thay vì cắn, tránh nuốt phải phần vỏ cứng. Đặc biệt, do cấu trúc hạt nhỏ, khi ăn không cẩn thận có thể dẫn đến bị hóc, sặc. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phẫu thuật Mỹ, thực hiện trên 822 bệnh nhân từ một tháng đến 84 tuổi cho thấy có 14% trường hợp ho do sặc khi ăn hạt hướng dương. Ngoài ra, loại hạt này rất giàu calo và natri, do đó không nên ăn quá nhiều vì có thể gây tăng cân, không tốt cho thận.
Nếu đang bị ho, bạn nên tạm ngừng ăn hạt hướng dương và các loại hạt ngày Tết. Song song với đó, bạn có thể thử một số cách làm dịu cổ họng tại nhà như uống nước chanh pha với mật ong, trà gừng, ăn nhiều trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi; hạn chế dùng bia rượu, đồ uống có đá để giảm tổn thương họng, tránh làm cơn ho trầm trọng hơn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Thanh
Trưởng khoa Dinh dưỡng BVĐK Tâm Anh Hà Nội