Ông Tiến có tiền sử bệnh huyết áp cao, một năm gần đây tình trạng ổn định nên tự ý bỏ thuốc. Lần này ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám với huyết áp khoảng 150/160 mmHg, trong khi bình thường 120/80 mmHg. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA) cho thấy ông Tiến có túi phình kích thước 7x9 mm nằm ở vị trí động mạch thông trước, có cổ rộng.
Ngày 28/5, ThS.BS Lê Hữu Tùng, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, cho biết đây là một trong những vị trí thường gặp của túi phình và tiềm ẩn nguy cơ vỡ cao, đặc biệt khi túi phình đạt đến kích thước lớn, cấu trúc mỏng. Bác sĩ chỉ định can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình cho ông Tiến. Phương pháp này giúp loại bỏ túi phình bằng cách đặt một clip titan tại cổ túi thông qua mở sọ.
Quá trình phẫu thuật, êkíp phát hiện thêm một túi phình nhỏ khác chưa được phát hiện trên hình ảnh học trước đó. Do nguy cơ vỡ cao, các bác sĩ quyết định loại bỏ cả hai túi phình trong cùng một lần mổ.

Khối phình mạch não trên phim chụp CT Somatom Force VB 30. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Tùng, ca phẫu thuật thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của hệ thống theo dõi điện sinh lý thần kinh (IONM), giúp giám sát hoạt động của các dây thần kinh vận động, ngôn ngữ, thị giác... xung quanh vùng não được can thiệp. Nhờ đó, kíp mổ có thể kịp thời điều chỉnh thao tác nếu có dấu hiệu ảnh hưởng thần kinh, hạn chế tổn thương các vùng chức năng quan trọng, giảm tối đa biến chứng sau mổ.
Sau mổ, cả hai túi phình đều được loại bỏ hoàn toàn, không có hiện tượng rò rỉ hoặc chảy máu tại các vị trí kẹp. Hậu phẫu một tuần, ông Tiến vận động tốt, không bị rối loạn về ngôn ngữ hay vận động, sức khỏe ổn định, xuất viện. Người bệnh cần kiểm soát huyết áp lâu dài, tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ.

Êkíp phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ gây phình động mạch não. Bác sĩ Tùng giải thích áp lực máu tăng cao kéo dài gây tổn thương nội mạc, mất tính đàn hồi thành mạch và thúc đẩy quá trình giãn khu trú dẫn tới phình mạch. Quá trình này diễn biến âm thầm, thường không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi túi phình lớn hoặc xảy ra vỡ, dẫn tới đột quỵ xuất huyết nghiêm trọng. Người bệnh huyết áp cao nên duy trì huyết áp ổn định, không tự ý ngưng thuốc điều trị tăng huyết áp, kiểm soát yếu tố nguy cơ và tầm soát định kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa.
Người có yếu tố nguy cơ cao phình động mạch não gồm tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có phình mạch hoặc mắc các bệnh lý mô liên kết... cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để điều trị kịp thời, ngăn biến chứng.
Linh Đặng
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |