U não lành tính chiếm khoảng 70% tổng số ca u não theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở người trên 80 tuổi và thấp nhất ở trẻ em 0-19 tuổi. Nữ giới thường bị u não lành tính nhiều hơn nam giới.
U não lành tính không phải ung thư, thường có đường kính từ 2-3 cm, có xu hướng nằm yên một chỗ và tăng trưởng chậm với tốc độ phát triển từ 1-2 mm mỗi năm. U não lành tính thường không xâm lấn quá nhanh vào mô não khỏe mạnh hay di căn đến cơ quan khác. Hiếm khi một khối u lành tính trở thành ác tính. Song, bác sĩ Tấn Sĩ lưu ý, các khối u não lành tính vẫn có thể nguy hiểm. Chúng có thể làm tổn thương các bộ phận của não, gây rối loạn chức năng và để lại dị tật nghiêm trọng. Các khối u não lành tính nằm ở khu vực quan trọng của não có thể đe dọa tính mạng.
Các dấu hiệu u não lành tính thường khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Chúng thường được chia thành 2 nhóm gồm nhóm dấu hiệu do áp lực nội sọ và nhóm dấu hiệu do vị trí của khối u.
Dấu hiệu do tăng áp lực nội sọ: Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết, khối u não lành tính dù phát triển ở phần nào của não cũng gây tăng áp lực bên trong hộp sọ (áp lực nội sọ). Tăng áp lực nội sọ có thể dẫn đến hàng loạt các triệu chứng như đau đầu (xuất hiện ở khoảng 50% người bị u não), co giật (thường là co giật khu trú, co giật cục bộ một phần của cơ thể), buồn nôn và nôn mửa (thường xảy ra vào buổi sáng), hoa mắt, lãng tai (xuất hiện ở khoảng 25% bệnh nhân u não), khó khăn trong phối hợp hoạt động (giảm khả năng giữ thăng bằng, cảm giác chao đảo, mất phương hướng do hệ thần kinh tiền đình bị ảnh hưởng)...
Người bệnh cũng có thể thay đổi hành vi và nhận thức bao gồm thay đổi tính nết, cách ứng xử, suy giảm trí nhớ, khó tập trung, nói hoặc làm những điều không phù hợp với hoàn cảnh.
Dấu hiệu từ vị trí khối u: Các bộ phận khác nhau của não kiểm soát các chức năng khác nhau. Do đó, các triệu chứng u não lành tính sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u. Ví dụ, các khối u ở thùy trán (vùng kiểm soát chuyển động và cảm giác của cơ thể) có thể khiến bạn bị yếu hoặc tê một phần cơ thể, một bên tay hoặc chân. Khối u ở thùy thái dương (vùng chịu trách nhiệm về thính giác, ngôn ngữ, trí nhớ) có thể gây ra các vấn đề chậm hiểu từ ngữ, quên gương mặt của người khác, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tính cách và giao tiếp. Các khối u ở thùy chẩm hoặc xung quanh tuyến yên, dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực.
U não ở thùy đỉnh có thể khiến người bệnh khó đọc, khó viết, không thể tính toán, đếm số, khó khăn với nhận thức không gian và đánh giá khoảng cách. Các khối u tủy sống có thể gây tê, yếu hoặc thiếu phối hợp ở tay và chân (thường ở cả hai bên cơ thể), cũng như các vấn đề về bàng quang và ruột. Khối u não nằm trong tiểu não ở phía sau đầu có thể khiến khó khăn trong việc phối hợp vận động, gặp rắc rối với các cử động chính xác của bàn tay, cánh tay, chân và bàn chân; các vấn đề về thăng bằng, yếu một số cơ mặt, tê hoặc đau mặt, chứng khó nuốt.
Khối u cũng có thể xuất hiện ở vùng thân não dẫn đến tình trạng khó nuốt, khó thở, rối loạn nhịp tim và huyết áp. Nếu khối u ở tuyến yên nằm ở đáy não (là nơi tiết ra hormone điều chỉnh nhiều quá trình trong cơ thể) có thể làm tăng hoặc giảm sản xuất hormone dẫn đến những thay đổi như giảm hoặc tăng cân, rối loạn chức năng tình dục, cảm thấy lạnh, đổ mồ hôi nhiều...
Bác sĩ Tấn Sĩ giải thích thêm, một người có một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên không có nghĩa người đó đang mắc bệnh u não. Tất cả các triệu chứng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy vậy, nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào trong số này cần đi khám, tầm soát u não càng sớm càng tốt.
Hiệp Huỳnh