Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Mạnh Long, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Nồng độ kali trong máu thấp hơn 2,5 mmol/L là hạ kali máu nặng. Kali là chất điện giải thiết yếu, giúp mang tín hiệu điện đến các tế bào trong cơ thể. Nó có vai trò quan trọng để đảm bảo hoạt động bình thường của các tế bào thần kinh và cơ, nhất là tế bào cơ tim.
Kali máu hạ thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan. Cơ thể nhận kali từ thực phẩm trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Thận là bộ phận giúp loại bỏ kali dư thừa qua nước tiểu để cân bằng khoáng chất và tình trạng kiềm toan (tình trạng các chỉ số như pH, PaCO2 và HCO3... được giữ ở mức ổn định) trong cơ thể.
Triệu chứng
Hạ kali máu thường không gây triệu chứng và được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu phân tích các chất điện giải trong cơ thể. Tuy nhiên, hạ kali máu nặng và kéo dài có thể gây các triệu chứng như:
- Táo bón.
- Chuột rút.
- Mệt mỏi.
- Rối loạn nhịp tim.
- Yếu cơ, liệt tứ chi.
Nếu không được xử trí kịp thời, hạ kali máu nặng có thể làm tăng tỷ lệ tử vong, nhất là ở người mắc nhiều bệnh lý như bệnh thận mạn tính, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, suy tim...
![Bác sĩ Long khám cho người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/23/bs-long-1716440717-9310-1716440759.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HOC_7YMROxzYdyInpQnSAQ)
Bác sĩ Long khám cho người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây hạ kali máu bao gồm:
- Mất kali qua đường tiêu hóa do nôn ói.
- Tiêu chảy.
- Sử dụng các thuốc nhuận tràng.
- Mất kali qua đường tiểu do sử dụng các thuốc lợi tiểu (thường được chỉ định trong các bệnh tim mạch và tăng huyết áp).
- Bổ sung không đủ kali qua chế độ ăn uống.
- Thiếu magie máu.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Uống nhiều rượu bia.
- Sử dụng không hợp lý các thuốc có thành phần corticoid.
- Bất thường ở tuyến thượng thận gây dư thừa hormone aldosteron hay cortisol.
Điều trị và phòng ngừa
Điều trị hạ kali máu còn phải tùy vào mức độ hạ kali và nguyên nhân gây bệnh.
Nếu hạ kali máu nhẹ, người bệnh được bác sĩ kê đơn viên kali uống và tư vấn bổ sung kali qua chế độ ăn uống.
Trường hợp hạ kali máu nặng dẫn đến rối loạn nhịp tim, yếu cơ, bổ sung đường uống không có hiệu quả có thể cần phải bù kali qua đường truyền tĩnh mạch.
Hạ kali máu nặng hoặc tái phát thường xuyên có thể do nguyên nhân của một số bệnh lý. Người bệnh cần được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp để tránh các biến chứng nặng do hạ kali máu.
Hạ kali máu có thể phòng ngừa bằng cách bổ sung thêm kali qua đường ăn uống. Thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, nho khô, bí đỏ, khoai tây, nước dừa và các loại đậu.
Chế độ ăn cân bằng có thể cung cấp đủ kali cho cơ thể, bởi thiếu hoặc thừa kali đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |