Hội chứng Cushing là bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormone vỏ thượng thận gây tăng hormone glucocorticoids. Có hai nhóm nguyên nhân gây ra hội chứng gồm nội sinh và ngoại sinh. Cushing nội sinh do trong cơ thể người bệnh có nguồn tiết ra cortisol ví dụ như bệnh lý vùng hạ đồi - tuyến yên hay bệnh lý tuyến thượng thận. Nguyên nhân ngoại sinh thường gặp nhất xảy ra do lạm dụng thuốc chứa corticoid như các thuốc đông y gia truyền, thuốc điều trị đau khớp...
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dấu hiệu lâm sàng của bệnh thường xuất hiện rõ ràng ở giai đoạn muộn. Bệnh thường không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của hội chứng Cushing.
Thay đổi ngoại hình như tăng cân là triệu chứng thường gặp nhất do sự tăng lắng đọng mỡ. Người bệnh thường bị tích mỡ ở bụng, thân, ngực, mặt, xương đòn, hố thái dương, cổ, gáy...
Thay đổi ở da như da đỏ, mỏng hơn do bệnh gây teo lớp thượng bì và tổ chức dưới da, giãn mạch dưới da. Những vết rạn da màu đỏ tím, rộng 0,5-2 cm, sờ có cảm giác lõm hơn so với mặt da bình thường, thường xuất hiện ở bụng, mông, đùi, nếp lằn ngực, nách, sau đầu gối. Trường hợp nặng có thể rạn da toàn thân.
Rậm lông và nổi mụn trứng cá xảy ra do tăng tiết androgen (hormone giới tính). Triệu chứng xuất hiện chủ yếu ở nữ với biểu hiện lông tơ mọc nhiều ở mặt, bụng, ngực, đùi, tóc...
Tăng huyết áp phổ biến ở người bệnh mắc hội chứng Cushing. Tăng huyết áp tâm trương hay cả hai số (tâm thu và tâm trương) có thể làm phù nhẹ ở mắt cá do giữ nước và muối.
Rối loạn sinh dục do hội chứng Cushing khiến phụ nữ mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, âm vật to ít gặp. Nam giới thường bị giảm khả năng sinh dục.
Rối loạn tâm lý như người bệnh dễ xúc động, thay đổi cảm xúc, chán nản, mất ngủ, lo lắng, giảm trí nhớ, giảm sự tập trung.
Yếu cơ hay teo cơ tay và chân, nguyên nhân do tăng quá trình dị hóa (phân hủy mỡ và giảm tích mỡ ở tay và chân), giảm quá trình tổng hợp protein và hạ kali máu.
Loãng xương do mắc hội chứng này khiến người bệnh có thể bị đau xương ở cột sống, xương dài (ở chân), gãy xương cột sống, xương sườn, xương bàn chân.
Sỏi đường tiết niệu xảy ra do tăng thải canxi qua đường tiểu, thi thoảng gây ra cơn đau quặn thận.
Người bệnh cũng có thể gặp phải các bệnh liên quan đến chuyển hóa như rối loạn đường huyết, rối loạn mỡ máu...
Hội chứng Cushing không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng như tiểu đường type 2, tăng huyết áp mạn tính, nhiễm trùng nặng, suy giảm chức năng miễn dịch, yếu cơ...
Bác sĩ Bích khuyên người có các triệu chứng của hội chứng Cushing cần khám để được điều trị kịp thời. Để phòng ngừa hội chứng này, người bệnh không tự mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không tự tăng liều.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |