Giãn phế quản (tiếng Anh là Bronchiectasis) là tình trạng giãn không hồi phục một phần của cây phế quản, có thể giãn ở phế quản lớn trong khi phế quản nhỏ vẫn bình thường, hoặc giãn ở phế quản nhỏ trong khi phế quản lớn bình thường. Giãn phế quản được chia thành giãn phế quản hình túi, giãn phế quản hình trụ và giãn phế quản hình tràng hạt dựa trên giải phẫu bệnh lý.
Bệnh chiếm 6% các bệnh lý về phổi và có tỷ lệ nam bị mắc nhiều hơn nữ. Theo nghiên cứu của GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn, kiêm cố vấn chuyên môn khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Việt Nam có khoảng 1,86% các bệnh nhân nhập khoa nội hô hấp điều trị nội trú vì giãn phế quản. Bệnh có xu hướng gia tăng do liên quan đến nhiễm khuẩn phế quản trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí, biến đổi khí hậu ngày một nặng nề.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Ngô Quý Châu cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh mắc chứng giãn phế quản, trong đó có giãn phế quản do tắc phế quản. Một số trường hợp tắc phế quản do dị vật: Khi dị vật vào phế quản làm tắc phế quản, dẫn đến phế quản dưới chỗ tắc bị giãn do quá trình viêm nhiễm gây hủy hoại thành phế quản. Thường xuất hiện từ 6-8 tuần sau khi có dị vật.
Các trường hợp khác tắc phế quản do u trong lòng phế quản: Tiến triển nhanh hay chậm tùy theo tiến triển của khối u và mức độ bội nhiễm.
Tắc phế quản cũng có nguyên nhân do sẹo cũ của các chấn thương, viêm nhiễm.
Ngoài ra, còn có giãn phế quản do viêm, hoại tử thành phế quản sau khi người bệnh nhiễm khuẩn phổi như lao, viêm phổi do vi khuẩn, virus sởi, ho gà,...
Giãn phế quản do dị tật bẩm sinh ở cấu trúc phế quản như: hội chứng Kartagener, hội chứng Williams - Campbell,...
Các trường hợp giãn phế quản nguyên phát, không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng
Theo bác sĩ Ngô Quý Châu, giãn phế quản thường bắt đầu từ những tổn thương phế quản khi còn nhỏ nhưng chỉ đến khi tình trạng nhiễm trùng phổi tái đi tái lại nhiều lần mới xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng bệnh rõ rệt. Các triệu chứng này sẽ phát triển nhanh và trở nên tồi tệ theo thời gian. Do đó, người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của giãn phế quản là ho, ho khạc đờm kéo dài trong nhiều năm.
Các triệu chứng khác của bệnh như: đờm mủ có màu xanh hoặc màu vàng, một số trường hợp đờm có lẫn máu; khạc đờm thường tăng lên khi có bội nhiễm. Có một số trường hợp ho khan hoặc không ho (giãn phế quản thể khô ở các thùy trên). Một số trường hợp có dấu hiệu của viêm đa xoang làm hướng tới hội chứng xoang phế quản.
Ho ra máu cũng là một trong những triệu chứng của bệnh giãn phế quản. Đây cũng có thể là triệu chứng duy nhất của bệnh. Bệnh nhân ho ra máu tái phát nhiều lần, có thể kéo dài nhiều năm. Mức độ ho ra máu có thể ít hoặc nhiều từ ho máu nhẹ, trung bình, ho máu nặng, ho máu rất nặng hoặc gây suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, bệnh còn có triệu chứng khó thở, có tiếng thở rít. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn, là biểu hiện của suy hô hấp do tổn thương lan tỏa hai phổi, có thể có tím.
Người bệnh còn có triệu chứng: sốt khi có nhiễm khuẩn hô hấp, sốt thường kèm theo khạc đờm tăng và/hoặc thay đổi màu sắc của đờm; đau ngực là dấu hiệu của nhiễm khuẩn phổi ở vùng gần màng phổi hoặc túi phế quản giãn căng. Các triệu chứng này thường phát triển trong nhiều năm và trở nên nặng hơn theo thời gian hoặc khi bị nhiễm trùng hô hấp.
"Giãn phế quản nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hoặc phát hiện bệnh nhưng chủ quan không điều trị đúng cách có thể khiến ổ giãn phế quản lan rộng, dẫn đến bội nhiễm tái phát, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Ngô Quý Châu khuyến cáo.
Khi ổ giãn phế quản lan rộng và kéo dài, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như áp xe phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng, mủ phế quản, nhiễm mủ phổi gây khó thở, suy hô hấp trầm trọng, thậm chí ảnh hưởng chức năng tim, gây suy tim.
Bên cạnh đó, bệnh có các biến chứng nguy hiểm khác, bao gồm:
Suy hô hấp: Tình trạng này xảy ra khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể ngay cả khi nghỉ ngơi.
Suy tim phải: Người bệnh khó thở thường xuyên, ngày một nặng dần.
Viêm phổi tái phát.
Ho ra máu nặng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh do các cục máu lấp đầy đường thở.
Chẩn đoán và điều trị
Đầu tiên, giãn phế quản được chẩn đoán xác định dựa vào diễn biến ho và khạc đờm kéo dài, hoặc ho ra máu tái phát ở người bệnh, có thể có móng tay khum.
Theo bác sĩ Ngô Quý Châu, để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương phế quản và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh.
Chụp cắt lớp vi tính ngực độ phân giải cao có hình ảnh giãn phế quản.
Soi phế quản: Nhằm phát hiện dị vật, các phế quản bị gấp khúc, bị chít hẹp, xác định vị trí chảy máu và hút dịch phế quản tìm vi khuẩn.
Các xét nghiệm đờm: Tìm vi khuẩn, nấm, trực khuẩn lao, từ đó giúp lựa chọn kháng sinh điều trị phù hợp.
Làm điện tâm đồ, siêu âm tim để phát hiện sớm biến chứng ở tim.
Đo chức năng hô hấp: Đánh giá chức năng và hoạt động của phổi, xác định mức độ tổn thương ở phổi.
Bác sĩ Ngô Quý Châu nhấn mạnh viêm phế quản là tổn thương không thể hồi phục được. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng và sự tiến triển của bệnh. Từ đó ngăn chặn vòng luẩn quẩn của việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Dẫn lưu đờm mủ phế quản: Hướng dẫn người bệnh cách ho khạc đờm và vỗ rung lồng ngực kết hợp với dẫn lưu theo tư thế.
Điều trị bằng kháng sinh: Được sử dụng trong đợt cấp tính của giãn phế quản có bội nhiễm.
Điều trị triệu chứng: Dùng thuốc giãn phế quản khi nghe phổi có ran rít, ngáy. Thở oxy trong đợt cấp khi có thiếu oxy máu.
Điều trị ho ra máu: Tùy theo mức độ ho máu nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị khác nhau.
Điều trị ngoại khoa: Cắt thùy phổi hoặc một bên phổi trong trường hợp ho ra máu nặng hoặc dai dẳng, tắc do khối u...
Phòng ngừa
Giãn phế quản có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành do các virus gây bệnh thông qua đường hô hấp. Việc phòng ngừa các tác nhân gây bệnh giúp đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh, đồng thời tiết kiệm được chi phí do việc điều trị giãn phế quản khá phức tạp và tốn kém. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bác sĩ Ngô Quý Châu khuyến cáo mọi người chú ý:
- Tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu hàng năm.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều khói bụi.
- Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ.
- Điều trị sớm nếu mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng và các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản cấp, áp xe phổi.
- Tập luyện thể dục thể thao, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giữ ấm cổ ngực,... nhằm đề phòng các đợt bội nhiễm đối với những người bệnh có tiền sử mắc giãn phế quản.
- Đề phòng và lấy sớm các dị vật trong phế quản.
- Điều trị sớm lao sơ nhiễm ở trẻ em.
Bác sĩ Ngô Quý Châu nhấn mạnh, việc phát hiện sớm các dấu hiệu giãn phế quản có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong những trường hợp ho khạc đờm kéo dài.
Thúy Nguyễn