Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết đau nhức xương khớp là 1 trong 10 di chứng phổ biến nhất có thể đeo bám người bệnh sau khi khỏi Covid-19. Cơn đau có khi lan khắp các khớp trên cơ thể nhưng cũng có khi chỉ xảy ra tại một vị trí nhất định như khớp gối, khớp vai, bàn chân...
Cảm giác đau nhức xương khớp có thể diễn ra trong khoảng vài tuần, thậm chí kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm sau nhiễm nCoV. Kèm theo cơn đau là biểu hiện sưng khớp và yếu cơ, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong lao động, sinh hoạt thường ngày.
"50% số ca khám hậu Covid-19 tại bệnh viện phàn nàn về triệu chứng đau nhức xương khớp. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở những người có tiền sử mắc các bệnh về khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gout... mà ngay cả các F0 khỏi bệnh chưa từng bị bệnh xương khớp cũng cảm thấy đau nhức bất thường", tiến sĩ Nam Anh cho hay.
Nguyên nhân đau xương khớp hậu Covid-19
Nguyên nhân gây đau khớp hậu Covid-19 hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nam Anh, đau khớp cũng như các di chứng khác, chẳng hạn đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rụng tóc, mệt mỏi... có thể là do phản ứng viêm toàn thân. Đây là hậu quả của sự đáp ứng miễn dịch quá mức khi nhiễm nCoV, dẫn đến bão Cytokine, tác động và gây tổn thương hầu hết cơ quan trong cơ thể, bao gồm hệ thống khớp xương, hệ thần kinh trung ương, nang tóc...
Một số giả thuyết khoa học còn chỉ ra rằng, mắc Covid-19 gây rối loạn chức năng nội mô nghiêm trọng. Điều này làm giảm lưu lượng máu và chất dinh dưỡng đến màng hoạt dịch, sụn khớp và xương dưới sụn, khiến xương khớp bị đau mỏi, giảm khả năng cử động. Ngoài ra, đau khớp sau khi hết Covid-19 có thể đến từ việc hạn chế vận động lâu ngày, tác dụng phụ của thuốc điều trị và sự nhạy cảm hơn của các thụ thể cảm giác.
Dù nguyên nhân vẫn còn mang tính giả thuyết, đau khớp sau khi khỏi Covid-19 là tình trạng thực tế đang xảy ra ở cả người có tiền sử bệnh khớp lẫn người chưa từng mắc bệnh khớp trước đó. Đối với người có tiền sử bệnh khớp, nhất là nhóm bệnh viêm khớp tự miễn, cơn đau khớp dai dẳng hậu Covid-19 cảnh báo bệnh tình đang có chiều hướng tăng nặng. Đối với người chưa từng bị bệnh khớp, cơn đau có thể là tín hiệu khởi phát bệnh khớp mạn tính. Vì vậy, F0 bị đau khớp hậu Covid-19 nên chủ động tìm giải pháp giảm cơn đau, ngăn bệnh lý xương khớp tiến triển nặng càng sớm càng tốt.
Giải pháp phòng bệnh, cắt cơn đau
Theo tiến sĩ Nam Anh, để giảm cảm giác đau khớp hậu Covid-19, cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Trước tiên là dùng thuốc giảm đau, kháng viêm không kê đơn. Song song đó, có thể áp dụng các liệu pháp dân gian tại nhà như chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp... để xoa dịu cảm giác đau mỏi.
Đặc biệt, F0 khỏi bệnh bị đau khớp phải hết sức chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và vận động hàng ngày. Về dinh dưỡng, cần nghiêm túc xây dựng khẩu phần ăn theo nguyên tắc 5Đ (đủ dưỡng chất; đa dạng thức ăn; cân đối thành phần đạm, chất béo và carbohydrate; đều đặn mỗi ngày; loại bỏ hoặc hạn chế chất độc hại cho sức khỏe).
Về vận động, luôn giữ thói quen tập luyện thể chất 5 lần mỗi tuần, tối thiểu 30 - 45 phút mỗi lần với các bộ môn phù hợp như đi bộ, đạp xe, yoga, bơi lội... Ăn uống và tập luyện khoa học vừa giúp quản lý cân nặng, vừa góp phần kiểm soát phản ứng viêm, từ đó giảm nhẹ cơn đau nhức xương khớp.
Nếu bị đau khớp kéo dài (hơn 2 tuần) sau khi khỏi Covid-19, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám. Thông qua các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán chính xác nguồn gốc cơn đau, kịp thời đưa ra phác đồ chữa trị để ngăn chặn khởi phát hoặc tăng nặng các bệnh lý viêm khớp.
Tùy thuộc vào thương tổn, hư hại của sụn khớp, xương dưới sụn và mức độ nghiêm trọng của quá trình viêm tại khớp, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp khắc phục thích hợp nhất. Thông thường sẽ phối hợp giữa uống thuốc và vật lý trị liệu để đồng thời đạt được cả hai mục tiêu là giảm đau và ngăn bệnh khớp chuyển nặng.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nam Anh cũng khuyên mọi người nên bổ sung dưỡng chất chăm sóc xương khớp chuyên biệt, điển hình như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide, turmeric root, chondroitin sulfate... Những tinh chất này có khả năng ức chế phản ứng viêm tại khớp, đồng thời thúc đẩy tái tạo sụn và xương dưới sụn, hỗ trợ giảm đau, cải thiện chức năng khớp và phòng ngừa viêm khớp, thoái hóa khớp hiệu quả hơn.
"Các bệnh lý xương khớp một khi đã khởi phát sẽ không tự khỏi mà tiến triển ngày một trầm trọng hơn, khiến người bệnh phải sống chung với cơn đau và có thể gánh những biến chứng nặng nề như teo cơ, biến dạng khớp... Vì vậy, nếu bị đau khớp dai dẳng hậu Covid-19, cần theo dõi chặt chẽ và liên hệ tới bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phác đồ chữa trị an toàn, trúng đích", Tiến sĩ Nam Anh khuyến cáo.
Vào lúc 20h tối nay (24/3), trên fanpage của VnExpress sẽ diễn ra chương trình tư vấn trực tuyến "Đau nhức xương khớp hậu Covid - giải pháp từ chuyên gia đầu ngành". Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia xương khớp: TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM và PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Thủy - Khoa Cơ Xương Khớp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Mọi thắc mắc liên quan đến tình trạng đau nhức hay bệnh lý xương khớp hậu Covid-19, độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được chuyên gia giải đáp. |
Anh Ngọc