Những bài tập dưới nước là phương pháp trị liệu linh hoạt và tốt cho những người bị thoái hóa khớp, loãng xương tiến triển, căng cơ... hay chỉ đơn giản là đau lưng và cổ. Các tính chất vật lý khiến liệu pháp tập luyện dưới nước trở thành phương pháp điều trị chứng đau lưng và các chấn thương cơ xương khác rất được ưa chuộng.
Độ nổi: Nước hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng của cơ thể một cách có kiểm soát, tạo sự cân bằng và cải thiện sức mạnh. Độ nổi của nước cũng cho phép mọi người thực hiện nhiều tư thế hơn do lực hấp dẫn gần như bị loại bỏ, đặc biệt là với các bài tập yêu cầu nâng chân, phần được coi là nặng nhất của cơ thể.
Áp suất thủy tĩnh (áp suất được tạo ra từ chất lỏng đứng yên): Những tác động mạnh mẽ do áp suất thủy tĩnh tạo ra giúp cải thiện chức năng tim và phổi, khiến việc tập thể dục dưới nước trở thành cách hữu ích để duy trì và tăng cường chức năng tim - phổi. Hiệu ứng áp suất này cũng hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu trong cơ bắp.
Các đặc tính trên kết hợp với nhau tạo ra chế độ tập luyện giảm thiểu trọng lượng lên cột sống và nguy cơ chấn thương do các chuyển động ngoài ý muốn trong những bài tập.
Các bài tập trị liệu bằng nước tích cực cho bệnh đau lưng rất đa dạng và được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân, theo từng tình trạng cụ thể. Một số kỹ thuật cơ bản của các bài tập trị liệu trong hồ bơi gồm:
Đầu gối chạm ngực: Động tác này được thực hiện khi đứng trên một chân hơi khuỵu và một chân đưa ra phía trước, đồng thời một tay giữ thành bể, giúp tăng cường và kéo dài các cơ ở chân, hông và lưng dưới.
Nâng cao chân: Động tác này được thực hiện với một chân dang rộng và chân còn lại hơi cong, tay giữ thành bể, nhằm tăng cường và kéo dài các cơ ở chân, hông và lưng dưới.
Duỗi chân: Trong bài tập kéo căng này, người tập đặt hai tay trên thành bể, thân và chân duỗi thẳng (được hỗ trợ bởi nước). Động tác này sẽ mở rộng các vùng của lưng và các khớp ở lưng cũng như kéo dài cơ vai.
Đi bộ trong hồ bơi: Đi tiến và lùi trong nước cao ngang ngực sẽ tác động đến các cơ ở chân nhưng không tác động đến đầu gối hoặc hông. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị viêm khớp. Bài tập đi bộ có thể tăng thêm độ khó bằng việc đeo phao tay hoặc cầm tạ nhẹ nhằm tăng thêm sức mạnh cho cơ bắp.
Dù sử dụng nước để trị liệu rất tốt nhưng đối với nhiều bệnh nhân đau lưng, các bài tập chỉ nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế có chuyên môn. Những người bị sốt, suy tim nặng, tiểu không tự chủ, nhiễm trùng, không nên tập thể dục dưới nước bởi nhiệt độ nước quá ấm có thể khiến tình trạng của họ thêm trầm trọng.
Những người có sức chịu đựng hoặc phạm vi chuyển động bị hạn chế nghiêm trọng có khả năng không thể di chuyển an toàn trong hồ nước có gạch trơn trượt. Ngoài ra, những người có thị lực hạn chế cũng bị ảnh hưởng bởi khúc xạ, dẫn đến khó khăn trong việc học các kỹ năng vận động. Những bệnh nhân có mật độ xương thấp hoặc loãng xương, sức nổi do nước tạo ra không có lợi cho việc luyện tập sức mạnh cho xương như các bài tập trên cạn.
Triệu Vy (Theo Spine Health)