Xẹp đốt sống hoặc lún đốt sống là tình trạng thân đốt sống không giữ được chiều cao vốn có, làm tổn thương vùng cột sống và gây ra những cơn đau dữ dội cho người bệnh. Lún xẹp đốt sống có thể làm tăng nguy cơ gãy đốt sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động và thậm chí là tuổi thọ của người bệnh.

Gù lưng, suy giảm chiều cao là những dấu hiệu đặc trưng của xẹp đốt sống. Ảnh: Freepik
BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết đa số các trường hợp gãy lún cột sống thường không được chẩn đoán vì không có triệu chứng rõ rệt. Nhiều người còn nhầm lẫn đó là cơn đau lưng do tuổi tác và viêm khớp. Các dấu hiệu chính của xẹp đốt sống có thể là đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau như: giảm chiều cao, gù lưng, đột ngột xuất hiện tình trạng đau lưng, cơn đau có xu hướng tăng lên khi đứng hoặc đi bộ, khả năng di động cột sống bị hạn chế, biến dạng cột sống...
Khi phát hiện mình có dấu hiệu xẹp đốt sống, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm như thúc đẩy nguy cơ thoái hóa, gù vẹo cột sống, đốt sống bị xẹp làm chèn ép các cơ quan nội tạng, tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức và tàn phế... Một số phương pháp chẩn đoán xẹp đốt sống phổ biến bao gồm:
Đo mật độ xương (DEXA). Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lún xẹp đốt sống. Loãng xương được chẩn đoán khi mật độ khoáng xương ≤ -2,5 độ lệch chuẩn.
Chụp X-quang sẽ cho thấy hình ảnh thân đốt sống bị giảm chiều cao. Phương pháp này còn giúp đánh giá mức độ thoái hóa cột sống, mức độ biến dạng cột sống... Đồng thời cung cấp thông tin để lên kế hoạch phẫu thuật nếu cần thiết.
Chụp cắt lớp CT được chỉ định khi cần đánh giá hình ảnh đốt sống chi tiết như mức độ lún, xẹp, mảnh rời, nguy cơ rò rỉ cement vào ống sống...
Chụp cộng hưởng từ MRI cung cấp thông tin về sinh học xương. Có thể chẩn đoán chính xác tình trạng gãy xương cấp tính, bán cấp, không lành, tình trạng gãy xương cũ hoặc đã lành. Qua kết quả MRI, sự xâm nhập ác tính cũng được phát hiện và các tình huống nhiễm trùng có thể được loại trừ với độ tin cậy cao.

Người bệnh thực hiện chụp CT đánh giá tình trạng xương. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Theo bác sĩ Xuân Anh, dù có liên quan đến vấn đề tuổi tác và thoái hóa nhưng với sự tiến bộ của y học hiện nay, xẹp đốt sống có thể được chữa khỏi bằng rất nhiều phương pháp. Tùy theo mức độ xẹp lún và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị như:
Điều trị bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi bất động tại giường; dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống loãng xương, thuốc ức chế hủy cốt bào...; dùng nẹp cố định.
Điều trị can thiệp sẽ được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bác sĩ sẽ can thiệp tối thiểu bằng cách bơm xi măng cột sống hoặc phẫu thuật mổ mở. Đối với phương pháp bơm xi măng cột sống, sau khi bơm vào cột sống, xi măng sinh học ở dạng lỏng sẽ tràn vào các bè xương xốp, sau đó cứng lại, đảm bảo độ vững chắc cho đốt sống. Trong khi đó, phẫu thuật mở sử dụng hệ thống cố định bằng nẹp vít cột sống. Phương pháp này được chỉ định trong điều trị các trường hợp xẹp đốt sống nặng gây biến dạng cột sống lớn, có thể kết hợp với giải chèn ép thần kinh khi có tổn thương thần kinh kèm theo.
Bác sĩ Trần Xuân Anh lưu ý hẹp đốt sống là một tình trạng phức tạp vì có thể bắt nguồn từ chấn thương hoặc những bệnh lý khác. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu xẹp lún đốt sống, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phi Hồng