Dù di truyền là nguy cơ phổ biến nhất nhưng các yếu tố khác như chế độ ăn uống và cân nặng cũng có thể góp phần dẫn tới gout. Béo phì hay tăng cân quá mức cũng có liên quan đến tăng nồng độ axit uric, nguyên nhân gây bùng phát gout. Theo các nhà nghiên cứu, người béo phì có nguy cơ bị gout cao hơn người bình thường. Ngoài ra, người có mỡ bụng, nhiều cholesterol gây hại, có lối sống ít vận động... cũng được cho là dễ bị gout hơn.
Các chuyên gia khuyến nghị, những người thừa cân hoặc béo phì mắc bệnh gout nên giảm cân sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ bùng phát tốt hơn. Một số nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ đã tìm ra mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) với tỷ lệ mắc và bùng phát bệnh gout.
Trong suốt 7 năm, những người béo phì (BMI ≥23,0) có khả năng mắc bệnh gout cao hơn đáng kể so với những người có chỉ số BMI bình thường (từ 18,5-22,9). Trong số những béo phì đó, giảm 5% chỉ số BMI cũng có tỷ lệ bùng phát bệnh gout thấp hơn 39%, trong khi những người tăng 5% lại tăng 60% nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu khác có 11.079 người tham gia cho thấy, các trường hợp bị béo phì và tăng cân trong giai đoạn trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh gout tăng lần lượt là 84% và 65%. Một đánh giá tổng quan của 10 nghiên cứu về bệnh gout và giảm cân chỉ ra, giảm từ 3,5kg cân nặng trở lên có thể làm giảm tỷ lệ xuất hiện các cơn gout cấp.
Một nghiên cứu với quy mô lớn kéo dài 27 năm trên 44.654 nam giới cho thấy, 77% trường hợp mắc bệnh gout có thể được phòng ngừa các đợt bùng phát thông qua các cách như duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh, tuân theo chế độ ăn uống bổ dưỡng, hạn chế rượu và thuốc lợi tiểu.
Đặc biệt, nghiên cứu cũng nói rõ, lượng mỡ thừa hay mỡ dự trữ là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất. Và ngay cả việc áp dụng các thói quen, lối sống lành mạnh dường như không mang tới hiệu quả ở những người đàn ông mắc bệnh gout bị béo phì nếu cân nặng của họ không giảm bớt.
Cách giảm cân an toàn
Nếu muốn giảm cân để giúp kiểm soát tốt bệnh gout, hãy thực hiện một cách an toàn và lành mạnh. Bạn không nên chạy theo các chế độ ăn kiêng theo phong trào, điều này có thể dẫn đến các hệ lụy về sức khỏe tinh thần, thiếu hụt chất dinh dưỡng, các vấn đề về trao đổi chất và thậm chí bị tăng cân ngược...
Để giảm cân an toàn, hiệu quả, hãy thử áp dụng những thói quen lành mạnh như: ăn ít thực phẩm siêu chế biến (chế biến sẵn), tập thói quen nấu ăn ở nhà hơn ăn ngoài, ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước lọc... Cùng với đó, hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để họ đưa ra các khuyến nghị ăn uống dựa trên tiền sử bệnh, sở thích ăn uống và phù hợp với ngân sách của bạn.
Ngoài ra, người bệnh gout muốn giảm cân cũng đừng bỏ qua việc vận động. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, (CDC) khuyến nghị, mỗi người bệnh nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động thể chất từ cường độ trung bình đến cao mỗi tuần.
Một số cách giúp kiểm soát bệnh gout
Mặc dù giảm cân có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh gout nhưng bên cạnh đó cũng có những mẹo khác như:
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin: Thực phẩm chứa nhiều purin có thể làm tăng nồng độ axit uric. Đặc biệt, các loại thịt đỏ, nội tạng và hải sản thường liên quan đến bệnh gout.
Hạn chế thực phẩm chứa hàm lượng đường fructose cao: Đồ uống có đường và các thực phẩm khác có chứa hàm lượng đường fructose cao như siro ngô có thể làm cho các triệu chứng bệnh gout trở nên tồi tệ hơn.
Hạn chế hoặc tránh uống bia, rượu: Các chuyên gia khuyến cáo rằng, những người bị bệnh gout nên hạn chế hoặc tránh uống bia rượu vì những tác động tiêu cực đối với sức khỏe.
Quản lý các bệnh mạn tính khác: Các bệnh mạn tính khác như bệnh thận, bệnh tim và tiểu đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt.
Bảo Bảo (Theo Healthline)