Ngày 20/9, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện cùng lúc hai kỹ thuật này để giảm béo cho người bệnh.
Bác sĩ Hùng giải thích phương pháp này được cải tiến chỉ với một miệng nối (nối tá - hỗng tràng), thay vì hai miệng nối (nối tá - hồi tràng, hồi - hồi tràng) như trước đây. Kỹ thuật mới có ưu điểm rút ngắn thời gian phẫu thuật, ruột non ít hấp thu dưỡng chất, giảm rối loạn hấp thu quá mức và trào ngược, hạn chế tối đa biến chứng rò rỉ dịch bên trong, có thể giảm 85-90% cân thừa sau 18 tháng. "Phương pháp này đã áp dụng từ năm 2007 trên thế giới ở một số quốc gia, song đây là lần đầu được triển khai tại Việt Nam", bác sĩ Hùng nói.
Thông thường, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người bệnh béo phì được phẫu thuật thu nhỏ 70-80% thể tích dạ dày. Một năm sau mổ, bệnh nhân giảm được 75% lượng cân thừa. Tuy nhiên, anh Wong nặng 167 kg, được xếp vào nhóm siêu béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI gần 50), lại kèm các bệnh suy tim, bệnh cơ tim giãn nở, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa mỡ... "Nếu chỉ dùng một phương pháp thu nhỏ dạ dày thì chưa đủ, cần kết hợp với kỹ thuật chuyển dòng mật tụy để tăng hiệu quả giảm cân", bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Hùng, phẫu thuật cắt dạ dày hình ống, giúp giảm thể tích dạ dày, hạn chế lượng thức ăn có thể hấp thu. Kỹ thuật chuyển dòng mật tụy còn gọi là nối tá - hỗng tràng bằng một miệng nối (Single anastomosis duodeno-ileal bypass with sleeve gastrectomy - SADI-S) có vai trò chuyển hướng thức ăn từ ngay sau dạ dày đến một phần xa hơn của ruột, bỏ qua hoạt động trao đổi chất ở hệ thống ruột góp phần giảm hấp thu lượng calo và dưỡng chất từ thức ăn, mang lại hiệu quả giảm cân nhanh.
Anh Wong được điều trị ổn định các bệnh nền trước khi thực hiện phẫu thuật "2 trong 1" điều trị béo phì. Êkíp mổ nội soi cho người bệnh, ghi nhận ổ bụng có nhiều mỡ tạng, không có dịch, các cơ quan không có dấu hiệu bất thường. Lớp mỡ dày nên việc bóc tách các bộ phận bên trong gặp khó khăn. Bác sĩ dùng dao siêu âm giải phóng mạc nối lớn khỏi bờ cong lớn dạ dày, cắt dạ dày hình ống dọc bờ cong lớn. Phần đầu tá tràng được phẫu tích bảo tồn mạch máu, thần kinh. Bác sĩ cắt ngang tá tràng, nối tá tràng với ruột non, cách vị trí cách van hồi manh tràng 300 cm.
Theo bác sĩ Hùng, kỹ thuật của quy trình thực hiện SADI-S phức tạp, thêm nữa phải kiểm soát đồng thời những rủi ro tiềm ẩn như chảy máu, nhiễm trùng, cục máu đông. Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật phải giàu kinh nghiệm.
Hậu phẫu, anh Wong hồi phục tốt, có thể đi lại, uống nước và tập ăn thức ăn lỏng, xuất viện sau một tuần. Bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện chi tiết mỗi tuần, tái khám theo lịch hẹn.
Anh Wong cho biết sau mổ không còn cảm giác thèm ăn quá nhiều như trước, ăn ít nhưng không mệt. Sau hai tuần, anh giảm được gần 20 kg. Mục tiêu bác sĩ đặt ra là giảm 50-60 kg trong vòng một năm.
Béo phì là bệnh lý phổ biến và có xu hướng gia tăng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, rối loạn chuyển hóa mỡ. Giảm cân là cách tốt nhất giúp cải thiện các chỉ số sức khỏe, theo bác sĩ Hùng.
Thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, thay đổi lối sống phải được áp dụng đầu tiên trong quá trình giảm cân. Các biện pháp hỗ trợ y khoa như sử dụng thuốc, can thiệp bằng đặt bóng, phẫu thuật là giải pháp được thực hiện khi các biện pháp can thiệp khác thất bại. Một số trường hợp béo phì quá mức đi kèm các bệnh nặng gây nguy cơ cao cho sức khỏe, có thể chỉ định can thiệp sớm mà không cần qua từng bước như anh Wong.
Phẫu thuật giảm cân được chỉ định cho người có BMI từ 35 trở lên hoặc người có BMI 30 và kèm ít nhất một bệnh khác như huyết áp cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp... theo hướng dẫn đồng thuận của Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Béo phì Mỹ (ASMBS), Hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Béo phì Thế giới (IFSO) 2022. Phẫu thuật SADI-S thường áp dụng cho bệnh nhân siêu béo phì (BMI hơn 45) hoặc BMI thấp hơn kèm các bệnh lý rối loạn chuyển hóa nặng.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |