Bà Hiền đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, cân nặng 97 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) gần 42, béo phì ở mức cao nhất.
Bà Hiền thừa cân nhiều năm, gần đây tăng cân mất kiểm soát. Bà còn bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ và lưng, mất ngủ, khiến đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đây là lý do bà không thể chọn được môn thể thao phù hợp để giảm cân.
Ngày 27/6, TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Hiền được chỉ định phẫu thuật thu nhỏ, tạo hình ống dạ dày.
Sau khi gây mê cho bà Hiền, bác sĩ phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày thông qua những vết rạch nhỏ ở bụng. Kíp mổ cắt bỏ 80% dạ dày theo dáng đã được xác định bởi ống bougie (dụng cụ định hình thể tích mới của dạ dày), cắt bỏ phình vị chứa ghrelin (hormone kích thích ăn uống), khâu vết thương.
Bác sĩ Hùng giải thích mục đích của thu nhỏ dạ dày là tạo ra sự thâm hụt năng lượng trong cơ thể, cắt bớt thể tích dạ dày giúp người bệnh sau phẫu thuật giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn. Loại bỏ ghrelin để người bệnh kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả.
Một ngày sau phẫu thuật, bà Hiền có thể ăn uống, đi lại bình thường, xuất viện. Hậu phẫu bà phải tuân theo chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp vận động để đạt số cân nặng lý tưởng, cải thiện các chỉ số sức khỏe đi kèm. Một tuần sau, bà Hiền giảm được 7 kg, sau hai tháng giảm 15 kg, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Tình trạng đau xương khớp giảm, bà có thể đi bộ và ngủ ngon hơn mà không cần đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ. Theo tư vấn của bác sĩ, mục tiêu của bà Hiền là giảm 20 kg trong 6 tháng, 12 tháng khoảng 30 kg.
Bác sĩ Minh Hùng cho biết điều trị béo phì có nhiều kỹ thuật, trong đó phẫu thuật cắt tạo hình ống dạ dày là phương pháp được thực hiện nhiều trên thế giới. Bệnh nhân thường giảm được 75% lượng cân thừa sau một năm. Đây là phương pháp sau cùng, chỉ định cho người có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc từ trên 35 và có kèm theo ít nhất một bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp... Bác sĩ một số nước châu Á chọn BMI là 37 hoặc 32 kèm bệnh lý chuyển hóa để chỉ định phẫu thuật.
Tình trạng béo phì có xu hướng tăng nhanh tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, tâm lý của người bệnh mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều bệnh tim mạch, các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, tiểu đường type 2, ngưng thở khi ngủ, xương khớp. Béo phì càng lâu nguy cơ cao ảnh hưởng đến cột sống, gây thoái hóa cột sống và đĩa đệm.
Cải thiện cân nặng, các chỉ số sức khỏe đi kèm cũng thay đổi theo hướng tích cực. Bác sĩ Minh Hùng khuyến cáo phòng ngừa béo phì bằng cách điều chỉnh lối sống, duy trì vận động thể lực, cân đối các nhóm dưỡng chất, tính toán năng lượng cung cấp hàng ngày. Nên chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe, mục tiêu và sở thích cá nhân. Người bệnh cần can thiệp điều trị béo phì nên chọn cơ sở y tế có uy tín, bác sĩ giỏi chuyên môn để phẫu thuật suôn sẻ, phòng biến chứng.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |