Câu chuyện "giáo dục phổ thông nặng nề, đánh đố" đang là đề tài gây tranh luận trái chiều trong thời gian gần đây trên VnExpress. Một bên đánh giá kiến thức phổ thông hiện nay quá hàn lâm và ít tính ứng dụng, với các quan điểm "Học cao siêu nhưng không biết chùi bugi, chọn đồ điện máy", "Học sinh Việt như những cỗ máy giải Toán tích phân, đạo hàm", "Học tích phân, đạo hàm nặng về đánh đố"... Trong khi đó, nhóm còn lại cho rằng "Tư duy sai lầm 'chỉ cần cộng, trừ, nhân, chia là đủ'", "Học Lý, Hóa, Sinh để bớt mơ mộng viển vông", "Không có môn học nào là thừa với học sinh"...
Góp thêm ý kiến vào câu chuyện "dạy gì cho học sinh phổ thông?", độc giả Tuấn Mạnh nêu quan điểm:
Với lập luận "học cái gì cũng có ích", nên học sinh, sinh viên Việt Nam phần lớn giống như những chiếc tủ sách di động. Các em kiến thức nào cũng có, có thể trả lời vanh vách mọi lĩnh vực khi được hỏi về lý thuyết, như một cái máy. Còn việc có áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn cuộc sống hay không lại là chuyện khác.
Bằng chứng rõ nhất là một cậu học sinh cấp ba phải vất vả cả buổi, loay hoay tìm cách thay chiếc bóng đèn chiếu sáng trong nhà bị hỏng khi được bố mẹ nhờ. Trong khi cậu ta chỉ mất chừng 10 phút để giải bài Toán tích phân dạng khó.
>> 'Học cao siêu nhưng không biết chùi bugi, chọn đồ điện máy'
Có thể nói, học sinh Việt đã phải học Toán nặng ngay từ bé. Nhưng người soạn thảo chương trình phổ thông dường như đang áp đặt quan điểm cá nhân của mình (đứng ở góc nhìn và sự hiểu biết của bậc giáo sư, tiến sĩ) vào giảng dạy cho lứa học sinh sinh cấp hai và ba. Tất nhiên, đứng ở góc độ các nhà chuyên môn, mấy thứ đạo hàm và tích phân ấy dễ ợt. Và rồi họ vô tình áp đặt rằng, học sinh cũng nghĩ là bình thường, ai học chẳng được.
Để ý nội dung trong sách giáo khoa cũng như cách truyền đạt của thầy cô ở Việt Nam, tôi thấy có vẻ như người lớn đang muốn đánh đố học sinh nhiều hơn. Chúng ta "thích" học sinh phải nhọc nhằn khi giải Toán, phải vò đầu bứt tóc trước những bài Toán khó. Chúng ta cứ thản nhiên dạy và học Toán cao cấp cho trẻ như một điều bình thường. Trong khi chương trình đó có phù hợp với cấp học hay có ứng dụng được vào thực tiễn sau này hay không thì không ai nhắc đến.
Nói cách khác, tôi có cảm giác chương trình dạy Toán từ bé ở nước ta được định hướng đào tạo người học ra làm giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư cho tương lai, chứ không đơn thuần chỉ là phổ cập kiến thức phổ thông cơ bản. Do đó, chuyện cải cách chương trình học, đặc biệt là với môn Toán ở Việt Nam vẫn là chuyện dài nhiều tập, không biết bao giờ mới có hồi kết.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.