Đọc bài viết "Học Lý, Hóa, Sinh để bớt mơ mộng viển vông", tôi lại nhớ đến vụ dì của mình bị lừa mua bán thiên thạch. Bà bỏ 200 triệu đồng để được thử thiên thạch. Nghe bà nói, nó nhỏ xíu nhưng cũng có thể làm vỡ cả tấm kính khi đặt lên trên. Tôi nói "họ dùng thủ thuật, chứ thiên thạch chỉ là đá trời, nếu có khả năng phóng xạ thì cũng chẳng thể làm vỡ kính như vậy được". Chưa kể giá gì mà tới mấy trăm triệu đồng cho một thứ bé bằng đầu ngón tay.
Rồi bà cho tôi xem những thiên thạch nhào lộn trong nước. Tôi nói "họ gắn mô tơ bên trong" nhưng bà cũng chẳng nghe. Cuối cùng, bà mất 200 triệu đồng mà vẫn không nghĩ rằng mình bị lừa, bà nghĩ chỉ là do mọi người không tin nên không mua mà thôi. Tôi đọc các bài báo, biết đây là chiêu lừa quá quen của kẻ gian nhưng nói mà bà chẳng tin. Rồi nào là đồng đen, đá phát ra tia nọ, tia kia... tất cả những thứ ấy cũng chỉ nhằm lừa những người không có kiến thức Vật lý cơ bản như dì tôi.
Bản thân tôi cũng là một giáo viên. Tôi đồng ý rằng chương trình hiện nay đúng là hơi nặng với học sinh. Như môn Vật lý quá nặng về giải các bài toán khó mà ít chú trọng đến các hiện tượng vật lý và thực hành. Điều này một phần là do cách ra đề thi vẫn nặng về tính toán. Có những bài trong đề thi THPT mà đến học sinh giỏi quốc gia cũng phải chào thua.
Đề bây giờ rất ít ra những câu lý thuyết hay về bản chất Vật lý, ba câu cuối thường quá khó, theo kiểu đánh đố. Chỉ tội cho giáo viên và các em học sinh giỏi muốn ôn thi vào trường top đầu vẫn phải è cổ ra làm. Tôi cũng không hiểu người ta ra những câu đánh đố như thế để làm gì? Nếu chỉ để tránh "mưa" điểm 10 thì hoàn toàn có thể ra câu hỏi lý thuyết khó, thay vì sa đà tính toán quá nhiều. Ôn tập cho học sinh đi thi mà đôi khi tôi thấy rất thương các em.
>> Lý, Hóa, Sinh 'học xong quên hết'
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là nên cho các em học ít lại. Học sinh được học kiến thức nhiều môn khác nhau là rất tốt. Không có môn học nào là thừa thãi và không quan trọng. Đơn cử, tôi mới trồng rau, tìm hiểu về cách bón phân hóa học, tôi có về hỏi bố mẹ - những người nông dân với kinh nghiệm trồng rau 50 năm và phát hiện ra một điều rằng, hầu như người nông dân nào cũng bón phân sai cách, nguy hiểm cho sức khỏe. Họ nghĩ chỉ thuốc trừ sâu mới độc còn đạm thì không, nên cứ mặc sức bón phân.
Bà con nông dân mà có các kiến thức cơ bản về Hóa học thì sẽ trồng rau an toàn hơn. Chứ rau xanh ngắt và đẫm đạm, cực kỳ độc hại. Tôi đã phải phân tích rất kỹ rằng đạm vào cây sẽ chuyển thành nitrat, nirat trong cây vào cơ thể chuyển hóa thành nitrit rất độc hại, nhưng bố mẹ tôi vẫn không hiểu và không tin. Bố mẹ tôi ngày trước chỉ học đến hết cấp hai nên lượng kiến thức thiếu hụt là điều dễ hiểu.
Thế nên, tôi nghĩ rằng, trong bất kỳ ngành nghề gì, bạn cũng cần có lượng kiến thức gốc (kiến thức nền) đủ rộng. Học xong, các em cũng không cần nhớ tất cả, nhưng khi gặp vấn đề liên quan sẽ dễ tiếp thu kiến thức mới hơn nhiều. Khi đó, việc áp dụng kiến thức vào thực tế cũng sẽ dễ dàng và chính xác hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.