Tôi đang ở nông thôn và thấy những gì tác giả bài viết "Học sinh Việt như những 'giáo sư biết tuốt'" nói rất đúng với thực tế. Như môn Vật lý hiện nay đang quá thiên về giải đề, ít quan tâm đến các hiện tượng và thực hành. Cho nên mới có việc giáo viên, sinh viên Lý nhưng nhiều hiện tượng tự nhiên không giải thích được, không vận dụng được vào cuộc sống và không biết làm gì dù họ có thể rất giỏi trong giải bài tập.
Học sinh bây giờ học đủ thứ, kể cả những thứ mà sau này không dùng đến và không cần đến. Tôi tự hỏi học sinh cần gì biết tranzito là gì, tụ điện hoạt động ra sao, rồi nào là phân tích đủ các loại lực, các hiện tượng cảm ứng điện từ, tự cảm... Tất nhiên, học để biết khái niệm là điều cần thiết, nếu không học thì sẽ không thể biết được, nhưng cấp THPT hiện nay đang dạy quá sâu vào những kiến thức không cần thiết, không hữu dụng - những thứ chỉ nên học nếu theo chuyên ngành nâng cao.
Trong khi đó, những thứ quan trọng, cơ bản với cuộc sống như làm thế nào để lắp bóng điện, làm thế nào để vận dụng đòn bẩy, làm sao để nối mạch điện, làm sao để phòng chống sét, tại sao bị điện giật và cách phòng tránh... thì lại chỉ là phần đọc thêm, không được dạy hoặc có chăng giáo viên cũng chỉ nhắc qua vì không phục vụ thi cử.
Tôi thấy phương pháp thi cử hiện nay là làm trắc nghiệm và đưa vào các bài giải toán siêu khó, đến nỗi mà nhiều giáo viên cũng không chắc giải được trong thời gian quy định. Trước đây, cũng có một thầy giáo rất nổi tiếng, là Tiến sĩ Vật lý mà còn "bó tay", không giải nổi đề thi trong thời gian quy định, vậy đó chẳng phải là đánh đố học sinh hay sao?
>> Phổ thông nhồi nhét, đại học nhàn tênh
Tôi nghĩ, thay vì ép các em giải những bài toán siêu khó và thi trắc nghiệm hoàn toàn như vậy, nên thay đổi thang điểm và cách thức đánh giá học sinh. Ví dụ, lấy thang điểm 100 để tránh phải làm tròn điểm, 60% là trắc nghiệm, 40% là tự luận và tập trung vào giải thích hiện tượng, phân tích hiện tượng vật lý thay vì chỉ chăm chăm giải bài tập khó nặng về lý thuyết.
Tôi đồng ý rằng môn nào cũng cần học và phải học. Nhưng quan trọng là dạy gì và học gì để hữu ích nhất mà không gây áp lực lên học sinh? Tôi cho rằng, với cấp ba, nên dạy ít lý thuyết hơn. Thay vào đó, nên dạy cho học sinh những cái cần thiết cho cuộc sống, cho nhận biết sự vật.
Những em định hướng theo khối xã hội, vẫn được học Lý, Hóa, Sinh, nhưng số tiết mỗi tuần cần giảm bớt, để tăng thời lượng cho những môn khác. Nội dung cũng sẽ chỉ dạy những kiến thức cơ bản, phục vụ cuộc sống. Ví dụ, thay vì dạy phản ứng hạt nhân ra sao, tính toán nhiệt lượng tỏa ra như thế nào, tính toán chu kỳ bán rã... chúng ta chỉ dạy các khái niệm cơ bản, độ nguy hiểm thế nào, cách phòng tránh ra sao...? Đó mới là những thứ hữu ích cho các em sau khi ra đời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.