Đọc các bài viết than thở học sinh phải "đánh đổi thanh xuân với tích phân, đạo hàm", tôi thấy đa phần những người lên tiếng đều là người lớn, đã qua thời gian đi học. Quen với việc đi làm chỉ đợi chuông gõ năm nhịp là đứng dậy đi về, họ thấy mấy kiến thức từng học ở phổ thông là vô dụng, nên ra sức ủng hộ việc bỏ môn này, bớt môn kia. Chứ thực tế, tôi không thấy em học sinh nào kêu ca vì phải học tích phân, đạo hàm.
Không thể phủ nhận, hiện nay, với khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, người ta muốn biết một vấn đề nào đó, chỉ cần lên Google gõ vài dòng lệnh là ra cả mớ kiến thức bác học về đủ mọi lĩnh vực trên đời. Nhưng vấn đề ở đây là các công cụ này chỉ cung cấp kiến thức miễn phí, chứ không cấp bằng chứng nhận cho bạn sau khi tiếp nhận thông tin.
Trong khi đó, ngay cả mấy công ty may mặc, da giày, công nhân làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, khi tuyển người lao động, họ vẫn yêu cầu bằng tối thiểu hết cấp ba. Khi nào không tuyển đủ số lượng công nhân, họ mới nhận những người bằng cấp thấp hơn. Nếu chỉ ỉ lại vào việc "cái gì không biết thì tra Google" thay vì đầu tư học vấn, người thiệt thòi sẽ chính là các bạn.
Theo tôi, học nhiều chỉ ấm vào thân. Trừ khi ai đó là chuyên gia một lĩnh vực nào đó, còn không những người đa năng sẽ luôn có cơ hội việc làm nhiều hơn những người chỉ biết vừa đủ. Muốn đạt kết quả cao, sự thăng tiến thì bằng tốt nghiệp vẫn là chưa đủ. Mọi người vẫn bổ túc những kiến thức mình còn thiếu, kiến thức mới thông qua các khóa học nâng cao nếu cần chứng chỉ, hay tự học nếu chỉ cần kiến thức. Chỉ khi nào ta ngừng làm việc mới không cần học nữa.
>> Thạc sĩ 40 năm đi tìm ý nghĩa của tích phân, đạo hàm
Bạn có bao giờ tự hỏi những ai đã làm ra Google để bạn dùng không? Công nghệ máy tính dựa trên những thuật Toán, nếu ai cũng chỉ biết cộng, trừ, nhân, chia thôi thì ai sẽ là những người phát triển những thuật toán đó thành các công cụ hiện đại? Với những người bình thường, học là để hiểu biết; còn với những người có tố chất, được giúp đỡ điều kiện để ứng dụng ngay những kiến thức đó khi còn đang đi học, đó là nhân tài tương lai.
Học tập giúp học sinh tích lũy kiến thức, sự hiểu biết, rèn tính kỷ luật. Nếu tất cả chỉ dễ làm khó bỏ, liệu sau này ra đời có vượt qua những khó khăn? Những ai không muốn học môn nào đó thì có thể bỏ qua (tất nhiên sẽ không có điểm), chỉ cần đừng ghen tỵ với những gì người giỏi đều các môn có được sau này.
Khi là học sinh, hãy coi những nỗ lực học tập và đạt kết quả cao là vinh dự của mình, của cha mẹ và trường lớp. Chuyện tương lai, ngoài điều kiện xã hội thì nền tảng kiến thức của bản thân mới là yếu tố chính mang đến thành công nghề nghiệp, sự nghiệp cho mỗi người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.