Tôi là tác giả bài viết "Học tích phân, đạo hàm nặng về đánh đố". Bỏ qua chuyên ngành chính liên quan chặt chẽ đến Toán học, bản thân tôi cũng là một người rất có hứng thú nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Triết học, Sinh học, Vật lý đại chúng và Vật lý lượng tử... Quãng đời tôi đi qua cũng không khác gì thứ mà các học sinh cấp ba đang phải học, chỉ là nó ở một cấp độ cao hơn, có lẽ vì cuộc sống không "chuyên ngành hóa tuyệt đối" lĩnh vực nào, nên tôi không thần thánh hóa Toán học, và thấy nhà khoa học càng chẳng có gì đặc biệt.
Nhiều người mong muốn tất cả học sinh phải học hết những thứ kiến thức hàn lâm, để chọn ra đâu đó số ít người có thể ứng dụng được chúng vào công việc hoặc đời sống. Nhưng ngay cả khi ứng dụng được, thì thời gian đâu ra để tạo ra những giáo viên, bác sĩ, luật sư?
Để am hiểu một vấn đề nhỏ như là một thuật toán phổ biến trong IT, người ta cần tới 1.000 giờ. Vậy để am hiểu tích phân, vi phân, từ lịch sử tính chu kỳ mặt trăng đến những tranh cãi xoay quanh vấn đề này, sẽ tốn bao lâu? Thời gian đâu để mà nghĩ giải pháp giúp dân ta thay đổi tư duy chộp giật, chen lấn lề đường?
>> Tư duy sai lầm 'chỉ cần cộng, trừ, nhân, chia là đủ'
Thế giới không đơn giản như Toán theo kiểu 1+1+1+1 bằng 4 trong hệ cơ số trên 5, bằng 10 theo hệ cơ số 4, bằng 11 theo cơ số 3 và bằng 100 trong nhị phân. Thế giới là một "môi trường Toán" đặc biệt, đến mức người ta không biết hết tiên đề của môi trường đó là gì, đồng nghĩa với việc bạn không có đơn vị và phép biến đổi của mỗi trường Toán đó. Và chúng ta định sử dụng tư duy đó trong không gian ảo hay sao?
Học sinh tìm hiểu Sử học là vì chúng ta là người Việt, phải hiểu gốc rễ bản thân; học Lịch sử theo khu vực và thời đại để hiểu biết hơn về thế giới; học Địa lý để biết đất nước đang ở vị thế nào, có ưu nhược điểm gì; học Sinh học để tìm hiểu thế giới xung quanh, biết thế nào là dinh dưỡng, chăm sóc cơ thể; học Thể dục để nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng sống; học Âm nhạc nghệ thuật để có nhiều hình thức giải trí hơn, thay vì giải phóng năng lượng bằng một cái mic, gây nên vấn nạn karaoke "tra tấn"...
Đúng là học cái gì cũng có ích cả, nhưng quan trọng là chúng ta học gì, học thế nào, học trong bao lâu, lợi ích đến đâu, mới là việc đáng để bàn. Học một thứ tốn thời gian mà chỉ có 0,1% kiến thức ứng dụng được thì thời gian 99,9% người còn lại ai sẽ bù vào? Thử hỏi nếu đưa Thuyết tương đối vào chương trình học thì dạy trong 12 năm có đủ không? Trong khi Thuyết tương đối có tác dụng lớn thế nào trong đời sống thì chẳng cần bàn cãi.
Chương trình học của chúng ta vẫn quá hàn lâm và thiếu tính ứng dụng, trong khi học sinh vẫn phải "cày ngày, cày đêm". Thay đổi làm sao để giao dục phổ thông đào tạo ra những con người có hiểu biết, chứ không phải sinh ra những cái máy giải đề mới là điều quan trọng. Không thể cứ nhìn chăm chăm vào lợi ích của một nhóm người mà bỏ qua mong muốn muốn chính đáng của số đông còn lại. Không thể vì tối ưu hóa, bảo vệ lợi ích của số ít người, mà bỏ qua sự phát triển về lối sống của cả xã hội. Làm vậy thì học Toán bao nhiêu năm cũng chẳng có ích gì.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.