Gần đây, tôi thấy nhiều người nói đến câu chuyện học sinh Việt "lãng phí thời gian với những bài toán nhiệt lượng, chu kỳ". Là một học kinh tế, tôi thấy rằng, để phân tích được thị trường và nhìn nhận đa chiều, vẫn cần sử dụng các kiến thức Vật lý để tạo đòn bẩy thị trường. Những "mánh khóe" trong kinh doanh như vậy cũng từ những nguyên lý Vật lý, Toán học mà ra, có chăng là bạn đang vận dụng mà không biết.
Chẳng đâu xa, dù bản thân là nữ, nhưng khi chồng không ở nhà, cái bóng đèn cháy tôi cũng biết cách sửa, để an toàn cho tôi và các con; đi xe rớt phải cái vũng, xe bị nghiêng, tôi cũng biết cách làm đòn bẩy để thoát khỏi sự cố... Nói chung, ứng dụng và vận dụng các kiến thức sách vở và thực tế có rất nhiều, chỉ là mọi người quên đi các tác dụng của kiến thức mang lại mà thôi.
Ngay từ khi học cấp một, hai, tôi đã mơ ước làm rất nhiều nghề, hâm mộ thần tượng nên tôi cũng muốn làm ca sĩ, làm diễn viên, làm bác sĩ... Khi học cấp ba, được học các môn chuyên ngành, được định hướng cụ thể, tôi nhận ra được thế mạnh của mình là gì và định hướng mình theo ngành nghề gì, không còn hão huyền, mơ mộng như trước nữa. Đấy là giá trị do kiến thức mang lại.
Tôi không giỏi Sinh học nên không theo được ngành Y dù trước đó rất thích làm bác sĩ. Ngược lại, biết mình giỏi gì, tôi sẽ tận dụng thế mạnh để phát triển cái đó. Đấy là khả năng tư duy và chọn lọc, được hình thành từ chính những bài học trên lớp, từ tư duy, suy nghĩ, giải bài tập hằng ngày. Chúng đã tạo nên cho tôi tư duy nhạy bén với cuộc sống.
>> Lý, Hóa, Sinh 'học xong quên hết'
Phải học hết các môn mới biết là mình giỏi cái gì, muốn theo ngành gì, môn gì để phát triển về sau. Không có kiến thức nào là vô ích cả, có chăng là cuộc sống khiến bạn chỉ được chọn một trong số những thứ đã được học mà thôi. Nếu cứ than thở học sinh học nhiều mà chẳng áp dụng được bao nhiêu, thì chẳng khác nào cho học sinh cấp một đi học nghề luôn. Ai chọn nghề gì thì học những thứ liên quan nghề đó. Như vậy liệu có ổn không?
Giống như khi trẻ nhỏ hay hỏi bố mẹ nhiều câu hỏi tại sao? Vậy tại sao khi lớn lên, được học và tìm hiểu về tất cả những cái cơ bản nhất, chúng ta lại than không áp dụng được vào cuộc sống? Là do chương trình học không thực tế hay do chính chúng ta không biết cách vận dụng? Bạn không dùng về con lắc đơn, con lắc lò xo, nhưng ngôi nhà bạn đang ở lại được tính toán xây dựng từ những định luật ấy. Bạn bè của bạn theo ngành xây dựng, họ đang áp dụng những kiến thức đó đấy thôi.
Trẻ em học nhiều bởi đấy là độ tuổi đang phát triển não bộ, trí nhớ tốt, với mức học như thế sẽ phân loại được trẻ thông minh và kém thông minh, cũng là tăng khả năng tư duy và phán đoán sau này cũng là tiền đề chọn lọc ngành nghề. Người thông minh, học giỏi thì làm nghiên cứu, bác sĩ... Còn người kém thông minh hơn thì làm công nhân, làm ruộng, làm công việc chân tay... Chính sự phân công lao động ấy mới làm nên một xã hội phát triển.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.