Xung quanh đề thi Toán vào lớp 10 THPT tại TP HCM, nhiều độc giả VnExpress đã có những tranh luận trái chiều.
Không ít ý kiến cho rằng, những kiến thức mà học sinh đang phải tiếp nhận vừa dư thừa vừa thiếu tính ứng dụng vào thực tế đời sống:
Tôi là bác sĩ, những dạng bài kiểu này trước kia với tôi rất đơn giản. Vào đại học, rồi sau đại học, tôi vẫn tiếp tục bị nhồi nhét nhiều dạng toán khác kinh khủng hơn rất nhiều. Đến giờ khi sắp về hưu, tôi vẫn chưa thấy dùng các kiến thức đó để làm gì? Toán học hay các môn khoa học cơ bản khác đều rất quan trọng, nhưng với đối tượng nào cần học cái gì? Xin những nhà hoạch định hết sức lưu ý. Đừng lãng phí nơron vào những điều vô bổ!
Giáo dục Việt Nam thật lạ lùng, dạy từ trên ngọn đi xuống, đến khi vào đại học muốn nắm được kiến thức thì lại phải học ngược từ dưới lên. Thử hỏi các giáo viên chuyên dạy những bài toán kia xem học để ứng dụng vào cái gì? Tích phân, lượng giác... khi vào chuyên ngành ở đại học hoặc sau đại học mới hiểu tầm quan trọng của nó, vậy mà ở cấp ba học chẳng biết để làm gì? Một vòng luẩn quẩn. Chẳng hiểu nổi, mất thời gian, tốn công tốn sức nhiều mà mãi chẳng theo kịp thế giới.
Tôi năm nay 26 tuổi. Tất cả những thứ trên trước kia tôi đều học qua rồi, thậm chí còn học rất giỏi nhưng đến bây giờ tôi chỉ áp dụng cộng trừ nhân chia và chữ viết vào cuộc sống hiện tại. Mà hai điều này tôi chỉ học trong năm lớp 1. Vậy 11 năm còn lại đã học đc gì?
Năm nay 30 tuổi, năm cấp 3 học chuyên ban A, từng thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp ba môn đạt điểm gần tuyệt đối, đậu Đại học Quốc gia. Ấy thế mà giờ đọc cái đề chả nhớ nổi phải làm thế nào? Lạ thật!
Mấy bạn chưa ở hoàn cảnh của các em sẽ chưa hiểu hết. Đối với người lớn thì nhìn vào biết làm liền vì liên tưởng được với thực tế, còn các em đầu óc còn ngây thơ nên có nhiều ngữ cảnh các em không hình dung được, do đó không đặt phương trình được. Trong khi chương trình học chỉ đủ thời gian để dạy những kiến thức dàn trải, còn kiến thức thực tế thì không dạy kịp vì chỉ có 1 tháng để nhồi các em.
Tuy nhiên, nhiều người phản bác luận điểm trên khi khẳng định sự chuẩn bị kiến thức tổng hợp cho học sinh là hoàn toàn cần thiết:
Trong hàng triệu học sinh cấp 3 sẽ có em học về kỹ thuật, có em theo nghệ thuật, có em sẽ theo kinh tế... Sự chuẩn bị kiến thức cho các cấp học sau là hoàn toàn cần thiết, chỉ là lọc lại để nó khoa học hơn mà tôi.
Đề trên chỉ là đề thi tuyển lớp 10 ở mức độ cơ bản, học các phép lượng giác, tích phân cũng như cộng trừ nhân chia vậy. Lên đại học tùy từng chuyên ngành mà nâng cao lên, chưa có gì là cao siêu cả. Các nước phát triển, học sinh học chăm chỉ, tử tế các môn tự nhiên và xã hội hơn Việt Nam mình nhiều.
Rất ủng hộ đổi mới đề thi theo hướng tư duy thế này. Hạn chế thầy cô cứ luyện theo kiểu một dạng làm vài chục vài trăm bài cho quen tay nhớ cách làm, rồi sau chẳng biết mình đang làm gì?
Tích phân, hàm số... rèn luyện khả năng tư duy, ứng dụng... Trong khi đó, hình học sẽ luyện khả năng tưởng tượng, logic....
Bạn học được nhiều thứ và bạn cảm thấy không dùng tới. Nhưng thực chất bạn đang vận dụng cách tư duy đó vào các vấn đề trong cuộc sống. Nếu giả sử bạn không học những thứ đó thì khi ai đó giảng cho bạn kiến thức chuyên môn, bạn sẽ không nắm được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.