Trả lời:
Trước đây, phụ nữ suy thận phải lọc máu để duy trì sự sống. Nhờ ghép thận, phụ nữ có thể sống khỏe và mang thai. Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể số lượng phụ nữ được ghép thận sinh con, tuy nhiên một số trường hợp đã được ghi nhận. Tháng 9 mới đây, một thai phụ 41 tuổi ghép thận 5 năm đã sinh con khỏe mạnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Hiện, phụ nữ ghép thận không có chống chỉ định mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ không khuyến khích do quá trình mang thai có thể xảy ra rủi ro cho thai phụ và thai nhi. Người được ghép thận khi mang thai có thể gây rối loạn hoặc suy giảm chức năng thận, tăng huyết áp, tiểu đường... tăng nguy cơ biến chứng nặng tiền sản giật, ảnh hưởng gan, tim mạch và nhiều cơ quan khác. Nguy cơ đào thải thận mới ghép còn đe dọa sức khỏe, tính mạng người mẹ. Thai nhi có thể bị sảy, sinh non, dị tật bẩm sinh...
Nếu phụ nữ mong muốn có thai, cần có sự tư vấn, phối hợp giữa bác sĩ điều trị, theo dõi sau ghép thận, đánh giá chức năng thận, đổi thuốc chống thải ghép phù hợp giúp tránh ngộ độc cho thai. Khi đã có thai, êkíp bác sĩ thận, sản khoa quản lý thai kỳ từ việc dùng thuốc, theo dõi chỉ số huyết áp, tầm soát dị tật thai nhi...
Khi thai lớn hơn, thai phụ ghép thận có thể gặp biến chứng tiền sản giật, biểu hiện là cao huyết áp. Thai phụ cần khám thai và đánh giá chức năng thận thường xuyên. Đến tháng thứ 6, mẹ bầu cần khám thai hai tuần một lần, tùy thuộc vào diễn tiến, chức năng thận của bản thân, sức khỏe thai. Gần ngày sinh, thai phụ nên chọn sinh ở bệnh viện có nhiều chuyên khoa phối hợp, trong đó có Sản, Sơ sinh và Nội thận - lọc máu để "vượt cạn" an toàn.
BS.CKII Huỳnh Kim Khoe
Trưởng đơn vị Sản Phụ khoa
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |