Ngày 8/5, ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết xương đòn có màng xương dày, nằm tại vị trí lồng ngực, nơi được cung cấp máu dồi dào, dễ lành, thường được điều trị bảo tồn. Xương của anh Quốc gãy bị di lệch trên 2 cm, cần phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít.
Bác sĩ sử dụng nẹp vít implant làm từ hợp kim titan - crom - magie để cố định lại xương đòn. Hợp kim này có khả năng thích ứng tốt với cơ thể, không gây phản ứng dị ứng. Người bệnh không cần phẫu thuật lần hai để lấy implant ra ngoài nếu không muốn tháo bỏ, nhanh khôi phục vận động vai.
Ngày thứ hai sau mổ, anh Quốc không còn đau, thở dễ hơn, có thể tự sinh hoạt nhưng cần đeo túi treo tay 24/24h để cố định mô mềm, thúc đẩy xương lành và giảm đau mỏi. Tái khám sau mổ hai tuần, người bệnh phục hồi tốt, sinh hoạt thường ngày không bị ảnh hưởng nhiều.
Bác sĩ Duy khuyến cáo anh Quốc tuân thủ đúng chỉ định khi tập vật lý trị liệu vì xương đòn dễ gãy lại sau khi tháo nẹp, dù dễ lành. Xương thường lành lại sau một năm. Hai năm là thời gian lý tưởng để xương phục hồi hoàn toàn, vững chắc nhất có thể.
Gãy xương đòn không quá nguy hiểm và tương đối nhanh lành, theo bác sĩ Duy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phức tạp hơn do chấn thương mạnh hoặc tai nạn nghiêm trọng, các mảnh xương gãy có thể đâm vào các bó thần kinh, mạch máu quan trọng dưới xương đòn hoặc đâm vào đỉnh phổi gây tràn khí hoặc tràn máu màng phổi có thể đe dọa tính mạng...
Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo như đau, sưng phồng tại vùng vai sau chấn thương, hõm xương vai; cứng nhắc, khó cử động vai, có tiếng rắc khi cố vận động vai..., người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |