Gai xương là những tổ chức xương cứng, nhẵn hình thành ở đầu xương có khớp bị thương tổn. ThS.BS CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tổn thương khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng gai xương.
Tổn thương có thể xảy ra do viêm xương khớp hoặc thoái hóa khớp. Cụ thể, những gai xương mô mềm như gai xương gót chân, thường là biến chứng của viêm mạn tính. Tình trạng viêm tái đi tái lại gây tổn thương tại chỗ và xảy ra hiện tượng lắng đọng canxi, hình thành gai ở xương gót chân.
Mặt khác, gai xương có thể hình thành do bệnh lý thoái hóa, phổ biến ở xương đầu gối. Khi có sự tổn thương sụn trong quá trình sinh hoạt và làm việc hoặc do tuổi tác, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình tăng sinh, tái cấu trúc bù vào chỗ bị tổn thương. Tuy nhiên, thay vì mọc lại đúng vào vị trí bị tổn thương, phần sụn mới lại xuất hiện ở xung quanh rìa khớp, sau đó lắng đọng canxi và hình thành gai. Gai xương càng lớn, càng nhiều thì mức độ thoái hoá càng nặng.
Gai xương có tiến trình phát triển âm thầm, thường không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện mình bị bệnh khi chụp X-quang với một mục đích khác. Theo bác sĩ Hoàng Dương, đa số trường hợp, gai xương thường nhỏ và không gây ra những vấn đề quá nguy hiểm. Khi gai xương phát triển lớn, có thể gây đau hoặc giảm khả năng chuyển động.
Gai xương ở những vị trí dưới đây sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh:
Gai khớp gối: Thường xảy ra do thoái hóa. Khi thoái hóa bào mòn sụn khớp gối, đầu xương sẽ chịu áp lực và sự ma sát lớn hơn khi chuyển động. Lúc này, để giảm áp lực cho các đầu xương, cơ thể tạo ra các khối xương mới. Tuy nhiên, do sự sai lệch trong quá trình sản sinh mà những khối xương mới này phát triển thành gai xương, ảnh hưởng đến khả năng vận động trơn tru của đầu gối. Theo đó, người bệnh sẽ bị đau khi gập duỗi chân, đi đứng... thậm chí là biến dạng khớp, hạn chế cử động.
Gai cột sống: Khi các gai chèn ép rễ thần kinh sẽ gây ra cảm giác ngứa ran, đau cổ, đau lưng. Nếu gai phát triển vào ống sống sẽ chèn ép tủy sống, dẫn đến tình trạng suy nhược, yếu cơ, đau nhức cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác. Ngoài ra, khi người bệnh cử động lưng cổ, gai làm cho các đốt sống ma sát với nhau gây viêm.
Gai gót chân: Các gai này thường "mọc" hướng về phía vòm bàn chân, làm người bệnh cảm thấy đau nhức, sưng tấy, khó đi lại, viêm toàn bộ phần dưới bàn chân.
Gai khớp háng: Là hệ quả của quá trình thoái hóa sụn và xương dưới sụn. Khi các khe khớp xuất hiện gai xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau, cứng khớp, giảm biên độ vận động. Trong trường hợp gây thoái hóa khớp háng nặng, có thể cần phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
Gai khớp vai: phát triển quá mức có thể làm rách một hoặc nhiều gân trong tổ hợp gân chóp xoay như gân dưới vai, gân trên gai, gân dưới gai và gân cơ tròn bé ở phía sau. Điều này gây đau và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của người bệnh như không thể giơ tay lên cao, khó đưa tay ra sau lưng...
Ngoài ra, gai xương có thể làm xuất hiện một số triệu chứng khác như đau cứng khi cố gắng di chuyển khớp bị ảnh hưởng, chuột rút, yếu cơ, nổi nốt sần dưới da, khó kiểm soát bàng quang hoặc ruột nếu gai chèn ép một số dây thần kinh nhất định trong cột sống...
Bác sĩ Hoàng Dương cho biết tình trạng gai xương có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau, giảm sưng, kháng viêm... Trong trường hợp các phương pháp điều trị bảo tồn không phát huy hiệu quả, dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng hoặc biên độ hoạt động của khớp giảm nhiều, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Hiện nay, gai xương đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tuy nhiên, việc phòng ngừa là gần như không thể nếu tình trạng này liên quan đến thoái hóa khớp. Có thể giảm nguy cơ hình thành gai xương bằng cách mang giày vừa chân, có đệm và phần hỗ trợ vòm bàn chân tốt; dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là canxi và vitamin D; thường xuyên vận động thể chất; duy trì cân nặng lành mạnh; thăm khám cùng bác sĩ ngay khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở khớp, Bác sĩ Hoàng Dương lưu ý thêm.
Phi Hồng