Ngày 18/12, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị đứt dây chằng chéo trước, trong và sau của khớp gối, đồng thời tổn thương sụn chêm và dập tủy. Đây là ba trong hệ thống 4 dây chằng chính gồm chéo trước, chéo sau, bên trong và bên ngoài, chịu trách nhiệm ổn định khớp gối, ngăn chặn chuyển động bất thường của các xương.
"Tổn thương đa dây chằng là chấn thương nặng nề và tương đối ít gặp, chiếm khoảng 10% trường hợp đứt dây chằng", bác sĩ Ân nói, thêm rằng nếu không điều trị, khớp gối lỏng lẻo, khó đi lại, thúc đẩy thoái hóa khớp gối diễn ra nhanh hơn.
Các bác sĩ chỉ định kỹ thuật mổ nội soi all inside (tất cả bên trong) cho chị Tiền. Khó khăn ở ca phẫu thuật này là cần tạo ra ba đường hầm khác nhau, tương ứng với ba dây chằng bị đứt để cố định mảnh ghép, theo bác sĩ Ân. Trong không gian giới hạn của khớp gối, việc tạo ra ba đường hầm hoàn toàn tách biệt đòi hỏi sự khéo léo về mặt kỹ thuật. Nếu các đường hầm này tiếp xúc với nhau, khi gân đi qua sẽ không đạt được độ căng như mong muốn; thậm chí trong quá trình tái tạo dây chằng sau, có thể vô tình làm đứt gân hoặc dụng cụ cố định của dây chằng trước. Hậu quả là lỏng dây chằng, phẫu thuật thất bại.
Sau 2,5 giờ, êkíp thành công tạo ra ba đường hầm khác nhau và sử dụng các dụng cụ chuyên biệt bằng titan để cố định mảnh ghép vững chắc vào đường hầm. Bằng phương pháp này, người bệnh cần ít mảnh ghép hơn nhưng đạt được đường kính mảnh ghép phù hợp, các đường hầm được khoan tối thiểu. Nhờ đó ít xâm lấn, vết rạch trên da nhỏ, hạn chế nguy cơ chảy máu, giảm đau đớn và rút ngắn thời gian phục hồi.
Phần sụn chêm tổn thương cũng được tạo hình và khâu lại, gia cố lại xương chày. Ba dây chằng bị đứt được tái tạo bằng hai gân mác dài nằm ở hai bên cổ chân. Trong đó, một gân dùng để tái tạo dây chằng chéo trước và dây chằng bên trong, gân còn lại tái tạo dây chằng chéo sau.
Ngày thứ ba sau mổ, người bệnh không còn đau, có thể đi lại với sự trợ giúp của nạng. Nếu không xảy ra bất thường và tuân thủ tập vật lý trị liệu, tiên lượng 6-9 tháng sau phẫu thuật, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn vận động.
Bác sĩ Ân cho biết đứt (rách) dây chằng là chấn thương khá phổ biến, xảy ra khi khớp bị tác động một lực quá lớn, chẳng hạn chấn thương thể thao, ngã từ trên cao xuống hoặc va chạm do tai nạn. Tùy theo tư thế té ngã, dây chằng ở các vị trí như mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay cái, cổ hoặc lưng đều có thể bị tổn thương.
Khi dây chằng bị đứt, biến chứng dễ nhận thấy nhất là mất ổn định khớp. Nếu tình trạng này kéo dài dẫn đến thoái hóa sụn, cuối cùng là thoái hóa khớp, khiến người bệnh đau đớn kéo dài, chất lượng sống suy giảm, thậm chí có nguy cơ tàn phế, phải thay khớp sau này. Do đó, người bệnh nên đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, cảnh báo đứt dây chằng như phát ra tiếng nổ nhỏ ở khớp khi xảy ra chấn thương; bầm tím, sưng và đau khớp; co thắt cơ; khớp lõm xuống; khả năng vận động suy giảm.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |