Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết khi hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, chức năng miễn dịch phát triển điều chỉnh các phản ứng miễn dịch, cân bằng hệ vi sinh vật giúp cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, khi đường ruột bị tổn hại, cơ thể có thể mắc nhiều bệnh như béo phì, viêm ruột, đái tháo đường...
Bác sĩ Phương tư vấn những thực phẩm giúp duy trì sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch nên ăn thường xuyên.
Uống đủ nước: Tùy theo trọng lượng cơ thể, độ tuổi, giới tính, môi trường làm việc, tình trạng sức khỏe mà cần bổ sung nước cho phù hợp. Cách tính lượng nước trung bình (ml) = cân nặng (kg) x 30. Nếu trọng lượng cơ thể bạn là 50 kg thì lượng nước cần nạp mỗi ngày ít nhất là 1.500 ml. Quá trình tiêu hóa phụ thuộc vào nước và enzyme có trong nước bọt để phân hủy thức ăn, hòa tan các dưỡng chất khác.
Thực phẩm giàu xơ: Chất xơ có nhiều trong rau có màu xanh đậm (bông cải xanh, rau bina, cải xoăn), củ cải đường, táo, dâu tây, cam, chuối, xoài, hạt chia, ngũ cốc nguyên cám... Nhóm dưỡng chất này có vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón. Khi chất xơ vào ruột sẽ hút nhiều nước, tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột co bóp tống phân ra ngoài dễ dàng.
Cơ thể đào thải chất độc thường xuyên sẽ tránh chất độc từ chất thải ngấm vào máu. Sự phân hủy chất xơ, điều chỉnh độ pH tạo điều kiện hỗ trợ sự phát triển vi khuẩn có lợi (probiotic). Những vi khuẩn này giúp hệ vi sinh đường ruột phát triển ổn định, tăng cường quá trình tiêu hóa cho cơ thể.
Người trưởng thành nên bổ sung 20-30 g chất xơ mỗi ngày, ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, cụ thể: ăn ít nhất 2 phần trái cây; 3 phần rau, đảm bảo tối thiểu 300 g mỗi ngày. Phân bổ lượng rau và trái cây nạp vào cơ thể hợp lý bằng cách ăn rau trong các bữa ăn trưa và tối, trái cây vào bữa sáng và các bữa ăn xế để đạt hiệu quả hấp thu.
Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh: Nhóm dưỡng chất thiết yếu giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh, thường có nhiều trong thịt, cá, sữa, trứng, các loại hạt, bơ, dầu thực vật... Không chỉ tạo ra sự hấp dẫn, ngon miệng mà chất béo còn là chất "xúc tác" hấp thu các vitamin hòa tan trong dầu (A, D, E, K).
Tuy nhiên, mọi người chỉ sử dụng lượng vừa đủ và ưu tiên chất béo không bão hòa như omega-3, omega-6 (có trong cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, hạt óc chó, hạt macca, hạt điều, hạt hạnh nhân, quả bơ...). Axit béo omega-3 còn giúp giảm nguy cơ các bệnh viêm ruột. Theo khuyến nghị, nhu cầu chất béo của một người trưởng thành không quá 30% tổng lượng calo nạp vào mỗi ngày.
Thực phẩm lên men: Đây là những thực phẩm giàu probiotic được tạo ra nhờ quá trình lên men như sữa chua, kim chi, dưa cải, miso (một loại tương lên men), kefir (nấm sữa)... Những thực phẩm còn chứa nhiều enzyme thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, sản sinh dưỡng chất, cải thiện sự cân bằng vi khuẩn, phòng ngừa và cải thiện táo bón.
Probiotic còn có thể tăng cường chức năng miễn dịch tổng thể. Các hoạt động trong hệ thống miễn dịch diễn ra tại ruột, khi có mầm bệnh xâm nhập, các vi khuẩn báo hiệu cho hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Ăn thường xuyên các thực phẩm lên men còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh cảm cúm thông thường.
Để duy trì sức khỏe đường ruột, mọi người hạn chế ăn quá nhiều đường, đồ ăn chiên rán, thực phẩm đóng hộp, rượu bia, nước ngọt có gas... Vì chúng gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, thậm chí còn có thể dẫn đến tiêu chảy. Giữ tinh thần thoải mái giúp cho quá trình tiêu thụ thức ăn trở nên dễ dàng, hấp thu được nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
Thảo Nhi