Trả lời:
Dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi ở trẻ gái (có kinh trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai. Theo chuẩn cân nặng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bé trai 7 tuổi là 22,9 kg và bé gái 7 tuổi là 22,4 kg. Con của bạn 7 tuổi, nặng 27 kg, có tình trạng thừa cân, ngực nhú, nguy cơ dậy thì sớm.
Nguyên nhân dậy thì sớm có thể do di truyền, khối u thần kinh trung ương như u hamartoma vùng dưới đồi, u tuyến yên, u sọ hầu. Các bệnh lý tại buồng trứng, tinh hoàn, tuyến thượng thận, tuyến giáp cũng khiến trẻ dậy thì trước tuổi. Một tỷ lệ không nhỏ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân, chủ yếu gặp ở trẻ gái.
Yếu tố nguy cơ chính khiến trẻ dậy thì sớm là thừa cân, béo phì. Tỷ lệ trẻ thừa cân, dậy thì trước tuổi có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, trong đó có Việt Nam. Uống quá nhiều sữa có thể là yếu tố gây thừa cân, béo phì. Ở trẻ béo phì, mô mỡ tiết ra hormone leptin kích thích trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục trưởng thành sớm hơn, gây dậy thì sớm.
Tuy nhiên, sữa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây dậy thì sớm. Liều lượng sữa bao nhiêu là nhiều còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày của trẻ. Phụ huynh nên cho trẻ uống lượng sữa phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng mà không thừa cân, béo phì.
Sữa động vật (bò, dê...) có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp đầy đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp nhiều canxi, vitamin D giúp cho xương chắc khỏe, phát triển chiều cao. Sữa là thức ăn chủ yếu của trẻ dưới một tuổi. Trên một tuổi vẫn cần 400-500 ml sữa mỗi ngày. Trẻ bú mẹ ít bị béo phì hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức do sữa bò chứa lượng đạm cao hơn, dễ gây tăng cân và tích mỡ.
Một số ý kiến cho rằng sữa bò có thể chứa hormone tăng trưởng (IGF-1) gây dậy thì sớm, nhưng thực tế hormone gây dậy thì thường là hormone sinh dục (hormone steroid). Hiện, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên hệ giữa uống sữa nhiều với dậy thì sớm.
Cha mẹ không nên cắt sữa trong thực đơn trẻ ngay cả khi trẻ béo phì hay có nguy cơ dậy thì sớm. Trường hợp con bạn thừa cân nên uống sữa tách béo, ít đường, không kem và lượng uống không quá 400 ml mỗi ngày.
Bạn tránh cho con ăn đồ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt, đồ chiên rán, các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. Thay vào đó, bạn nên bổ sung nhiều rau xanh vào thực đơn hàng ngày của con. Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao, giảm thời gian xem tivi và sử dụng các thiết bị điện tử.
Điều trị dậy thì sớm giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần tốt hơn, chiều cao khi trưởng thành được đảm bảo như bạn bè cùng trang lứa. Chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm tùy thuộc từng trường hợp. Bác sĩ căn cứ vào sự phát triển của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, tuổi xương, tâm sinh lý của trẻ để đánh giá và đưa ra chỉ định can thiệp hay không. Để được tư vấn và điều trị cụ thể, xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp, bạn có thể đưa con tới chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Dinh dưỡng khám.
ThS.BS Phạm Thị Hồng
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |