Canxi là khoáng chất quan trọng được cơ thể sử dụng để xây dựng xương và răng chắc khỏe. Canxi cũng cần thiết để tim và các cơ khác hoạt động bình thường. Cơ thể thiếu khoáng chất này làm tăng nguy cơ xảy ra các rối loạn như loãng xương, hạ canxi máu, hạn chế phát triển chiều cao.
Nguyên nhân
- Lượng canxi ít trong một thời gian dài, nhất là ở thời thơ ấu.
- Một số loại thuốc có thể làm giảm hấp thu canxi.
- Không dung nạp thực phẩm giàu canxi.
- Thay đổi nội tiết tố hoặc rối loạn nội tiết tố.
- Di truyền.
- Hàm lượng vitamin D thấp khiến canxi khó hấp thụ hơn.
- Bệnh suy tuyến cận giáp.
Triệu chứng
Thiếu canxi giai đoạn đầu có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, các triệu chứng phát triển khi bệnh tiến triển gồm:
- Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ.
- Co thắt cơ bắp.
- Tê và ngứa ran ở tay, chân và mặt.
- Trầm cảm.
- Ảo giác.
- Chuột rút cơ bắp.
- Móng tay yếu và dễ gãy.
- Dễ gãy xương.
- Co giật do thiếu hụt canxi ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh.
Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ hạ canxi, bác sĩ chỉ định cho người bệnh lấy mẫu máu để kiểm tra mức canxi trong máu, đồng thời đo tổng mức canxi ion hóa, albumin. Albumin là loại protein liên kết với canxi, giúp vận chuyển canxi qua máu.
Biến chứng
- Tổn thương mắt.
- Nhịp tim bất thường.
- Loãng xương.
- Khó đi lại.
- Dễ gãy xương.
Điều trị, phòng ngừa
Người bệnh được bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Cụ thể là các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như cá mòi, cá hồi, đậu phụ, rau cải, bông cải xanh, quả sung, nước cam... Không tự ý uống thực phẩm hoặc các thuốc bổ sung canxi hay dùng nhiều hơn liều khuyến cáo mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
Anh Chi (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |