Đau dạ dày là tình trạng dạ dày tổn thương hoặc rối loạn vận động làm tăng tiết axit dịch vị dạ dày. Đau dạ dày có thể xuất hiện tại vùng thượng vị ở chính giữa bụng, cũng có thể lệch sang bên trái hoặc bên phải, cơn đau lan ra sau lưng. Triệu chứng đau thường kèm theo ợ chua hoặc trào ngược axit, buồn nôn, đầy hơi, hơi thở có mùi hôi hoặc chua...
Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày như viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, chảy máu dạ dày, ung thư... Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số loại thuốc để chữa bệnh có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như đau dạ dày, viêm loét, khó chịu, rối loạn tiêu hóa. Tác dụng phụ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sử dụng thuốc không đúng cách, tự ý dùng thuốc không tuân theo chỉ định của bác sĩ, có tiền sử mắc bệnh dạ dày, tự ý kết hợp nhiều loại thuốc.
Một số thuốc dễ gây ra tác dụng phụ lên dạ dày như nhóm thuốc chống viêm không steroid, nhóm thuốc chứa corticoid...
Các loại thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng chống viêm, giảm đau, thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau lưng, viêm khớp dạng thấp, đau bụng kinh... Tuy nhiên, nhóm thuốc này dễ kích thích trực tiếp lên niêm mạc dạ dày, làm giảm tiết nhầy của cơ quan này. Chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc trước tác nhân axit và pepsin có trong dạ dày.
Bác sĩ Khanh cho biết đây là nhóm thuốc hàng đầu gây trướng bụng, đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, nôn, viêm, loét dạ dày tá tràng, nặng hơn là chảy máu dạ dày tá tràng, thủng dạ dày.
Các loại thuốc chứa corticoid có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Nếu người bệnh sử dụng nhiều, liên tục có khả năng dẫn đến tác dụng không mong muốn như ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, đạm, béo, sự cân bằng nước và muối khoáng (gây phù).
Các cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng bao gồm hệ tim mạch (tăng huyết áp), thần kinh (mất ngủ, rối loạn tâm thần), cơ xương (loãng xương, teo cơ), mắt (đục thủy tinh thể), da (ban đỏ, mụn, teo da)... Thuốc chứa corticoid ảnh hưởng xấu cho dạ dày dẫn đến viêm, loét, xuất huyết dạ dày.
Theo bác sĩ Khanh, thuốc có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh. Để tối ưu hiệu quả thuốc và hạn chế tối đa tác dụng phụ, một số biện pháp y tế được áp dụng. Chẳng hạn dùng thuốc tráng niêm mạc dạ dày trước khi dùng thuốc chính, bào chế dạng thuốc dạng không tan trong dạ dày mà tan trong đường tiêu hóa, uống thuốc vào các thời điểm phù hợp...
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, uống đủ liều lượng, thường là uống vào lúc no sau khi ăn, uống thuốc với khoảng 200-250 ml nước lọc. Không tự ý sử dụng hoặc kéo dài thời gian sử dụng thuốc. Người bệnh dùng thuốc kết hợp với loại thuốc khác cần hỏi xin ý kiến tư vấn của bác sĩ, nhất là người có tiền sử mắc bệnh dạ dày. Nếu khó chịu, có dấu hiệu đau dạ dày khi dùng thuốc, người bệnh nên báo với bác sĩ điều trị để điều chỉnh kịp thời.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |