Mẹ bé là chị Kim Liên, 34 tuổi, quê Cần Thơ, định cư ở Na Uy, cho biết từ 2,5 tuổi bé thường xuyên đau bụng. Chị nghi con không dung nạp đường lactose nên đổi sữa, rồi uống thuốc sổ giun, song lớn hơn một chút bé đau nhiều hơn và kéo dài khoảng một giờ rồi tự hết.
Tại Na Uy, kết quả nội soi dạ dày Johan không phát hiện bất thường, bác sĩ nghi bé gặp vấn đề tâm lý "tự tưởng tượng cơn đau". Tuy nhiên sau kiểm tra tâm lý, bác sĩ kết luận Johan "bình thường, vui vẻ, giàu năng lượng, phát triển đúng độ tuổi".
Tháng 4, trong giờ biểu diễn võ thuật trên lớp, bé ngất xỉu, mặt xanh xao, miệng lưỡi co cứng, không thể nói, mất ý thức khoảng 3 phút rồi hồi tỉnh khi xe cứu thương đến. Kết quả kiểm tra tim, điện não đồ bình thường, bác sĩ không tìm ra bệnh. Sau đó, cơn đau dồn dập hơn, bé liên tục ói, sụt cân.
"Ở Na Uy bé được điều trị bệnh miễn phí nhưng phải chờ lịch chụp CT hay MRI não rất lâu và khó khăn nên gia đình quyết định về Việt Nam chữa bệnh cho con", chị Liên cho hay.
Ngày 28/6, PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả tầm soát bệnh tiêu hóa của bé bình thường. Dựa trên triệu chứng, bệnh sử và kết quả MRI não, điện não đồ, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, chẩn đoán Johan mắc bệnh động kinh. Các biểu hiện đau bụng nhiều khả năng là migraine thể bụng - tình trạng có thể gặp ở trẻ, đặc biệt ở bé bị động kinh.
Migraine thể bụng là các cơn đau bụng kịch phát, tái phát và cấp tính có thể kéo dài 1-72 giờ. Vị trí đau có thể giữa bụng hoặc quanh rốn, mức độ tăng dần. Bệnh có chu kỳ cách quãng so với lúc bình thường hàng tuần, hàng tháng, đau kèm biếng ăn, nôn ói, ói mửa. Giữa các đợt bệnh, bệnh nhi trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu.
Bác sĩ Tuấn cho biết tỷ lệ mắc bệnh động kinh khoảng 2,5/1.000 trẻ. Còn migraine thể bụng là rối loạn chức năng đường tiêu hóa ảnh hưởng đến khoảng 0,2-4,1% trẻ.
"Triệu chứng của migraine thể bụng thường khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa thông thường", bác sĩ Tuấn nói. Trẻ mắc bệnh thường tái phát đột ngột mà không thể giải thích, nặng hơn là rối loạn hệ thần kinh như mệt mỏi, lú lẫn, nhức đầu.
Johan phải sử dụng thuốc điều trị động kinh kéo dài và phòng ngừa các cơn migraine, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sau 5 ngày dùng thuốc, bé không còn than đau bụng, ăn uống tốt, được xuất viện. Một tháng sau bé tái khám, hết đau, không còn nôn ói.
Chị Liên ở lại Việt Nam ba tháng hè để con theo dõi, tái khám theo hẹn của bác sĩ. Hồ sơ y khoa của Johan sẽ được phiên dịch, để khi về lại Na Uy vẫn thuận tiện điều trị.
Theo bác sĩ Tuấn, động kinh là bệnh mạn tính và rất khó chữa. Tuy nhiên nếu được điều trị bằng các thuốc chống động kinh đúng phác đồ và đầy đủ, tần suất lên cơn giảm dần, không còn tái phát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), động kinh là bệnh não mạn tính không lây nhiễm, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên thế giới. Ước tính 70% số người mắc bệnh có thể sống mà không bị co giật nếu điều trị đúng cách. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách giảm chấn thương đầu, chăm sóc thai sản tốt để không chấn thương khi sinh.
Tuệ Diễm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |