Lượng khách đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc dự báo "không bùng nổ", đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, công suất phòng của các cơ sở lưu trú tại các điểm du lịch này mới chỉ đạt khoảng 50-80%. Trong khi đó, lượng khách Việt lựa chọn ra nước ngoài có xu hướng gia tăng, trong đó điểm đến được yêu thích nhất là Thái Lan.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Độc giả Phuoc Long nêu quan điểm: "Tôi là một người hay đi du lịch, nhưng thấy cách làm du lịch của người Việt còn quá nhiều yếu kém, không có sự kết nối và quản lý của chính quyền địa phương. Chúng ta đang tụt lại rất xa so với một số nước trong khu vực như Thái Lan. Một số vấn đề thực tế mà tôi thấy như:
- Nhiều khu du lịch là biển đảo nhưng tôi ăn hải sản giá còn đắt hơn cả ở Sài Gòn, đó chẳng phải một điều rất vô lý?
- Đi các khu chợ đêm, tôi thấy người ta bán đồ với giá cắt cổ, như kiểu chỉ bán một lần rồi thôi chứ không như người Thái bán đồ rất rẻ, chợ rất tập trung, đa dạng mặt hàng, để níu chân du khách.
- Tôi đi biển thấy người ta bán một kg hải sản nhưng về nhà cân lại chỉ còn đúng sáu lạng. Lần sau chắc tôi cạch mặt không bao giờ muốn quay lại lần nữa.
- Vé máy bay bay trong nước mà giá cao hơn cả giá bay thẳng nước ngoài, trong khi dịch vụ chưa tốt.
Đó là lý do khiến nhiều khi vợ tôi nói thà chạy xe đi loanh quanh thành phố hoặc có tiền thì đi hẳn nước ngoài vẫn còn hơn là đi du lịch trong nước. Có khi đi du lịch để xả stress mà đi mấy nơi trong nước về còn bực bội, ức chế hơn".
Cũng ấn tượng với cách làm du lịch của Thái Lan, bạn đọc Nguyen Tuan Anh kể về trải nghiệm của bản thân: "Tháng ba vừa qua, tôi đi du lịch Thái Lan từ miền Bắc (Chiang Mai) đến miền Nam (Bangkok) trong suốt hai tuần và cảm nhận đất nước của họ làm du lịch rất hay và thông minh. Những khu chợ của họ rất lớn và bán hàng tập trung, giá rất rẻ như kiểu lấy số lượng làm lời chứ không có kiểu bán thật đắt một lần rồi thôi như ta.
Đường sá của họ rất rộng rãi, nói chung họ đầu tư cho lĩnh vực công cộng và cơ sở hạ tầng rất nhiều. Đó là lý do vì sao khách du lịch quốc tế đến rất đông. Tôi đi chợ bên Thái Lan mà đi mãi mà không hết, 12h trưa mà người nước ngoài đi mua sắm rất nhiều. Điều này chúng ta cần phải học hỏi. Chắc chắn sắp tới tôi sẽ quay lại đất nước này thêm lần nữa.
>> Tăng giá vé máy bay - 'tư duy làm du lịch chặt khúc'
Nhìn thẳng vào những yếu kém của du lịch Việt, độc giả Kien Ngo Trung nhận định: "Nhiều người làm du lịch ở ta rất bảo thủ, và không hề cầu tiến. Riêng về du lịch thì Thái Lan đi trước chúng ta tới 30 năm. Họ rất biết cách khiến khách du lịch phải tiêu tiền mà vẫn thấy thoải mái, xứng đáng với những gì được nhận lại.
Có người cứ bao biện rằng 'đi Thái Lan chẳng thấy bờ biển nào đẹp như ở Việt Nam, mấy cái resort cũng nhếch nhác...'. Xin thưa rằng đó chỉ là những lời tự huyễn hoặc. Cảnh đẹp là cái trời cho, còn khai thác nó thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Trời cho Việt Nam nhiều cảnh đẹp nhưng nếu chúng ta không biết cách tận dụng để phát triển du lịch thì cũng bằng không.
Hãy nhìn thực tế tình trạng ở các khu du lịch ở ta mà xem, bãi biển thì ngập rác; Đà Lạt, Sa Pa chẳng còn hoang sơ, quy hoạch manh mún, lộn xộn... Thiên nhiên đã thế, còn yếu tố con người thì sao? Người ta vẫn bán hàng cho du khách theo tư tưởng bến tàu, bến xe, nghĩa là có dịp là phải chặt chém cho thật đã, không cần biết người ta có quay lại hay không?
Nên nhớ, các nước phát triển du lịch trên thế giới đều không lấy tiêu chí số lượng khách trong năm để đánh giá. Cái mà họ quan tâm là số lượng khách chọn quay lại sau lần đầu tiên ấy. Và nếu theo tiêu chí đó thì Việt Nam vẫn đang ở khoảng cách kém xa với Thái Lan. Nên nhớ, khách nào cũng là khách, đều đáng quý như nhau, nhưng khách nước ngoài thì lượng ngoại tệ họ đem vào Việt Nam sẽ là không nhỏ đâu. Nếu chúng ta đối xử với họ theo kiểu ăn xổi như vậy thì đừng hỏi vì sao du lịch nước nhà mãi trồi sụt".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.