Câu chuyện chất lượng du lịch Việt thời gian gần đây lại nóng lê với những ý kiến trái chiều. Có người thấy "ngại ngùng sau một chuyến về Việt Nam du lịch", có người "từ háo hức thành khó chịu sau hơn 20 năm quay lại Sa Pa", có người bức xúc vì "'Combo mệt mỏi' khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất"... nhưng cũng có người cho rằng "du lịch Việt không tệ như nhiều người vẫn nghĩ".
Cá nhân tôi với những trải nghiệm du lịch trong và ngoài nước của mình, cho rằng, nếu cứ giữ nguyên những gì đang làm bây giờ, ngành du lịch của Việt Nam sẽ còn lâu lắm mới có thể phát triển ngang bằng với những nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan hoặc Singapore, chứ chưa nói gì đến các nước khác trong châu lục và thế giới. Người làm du lịch ở ta dường như vẫn giữ tư tưởng "ăn xổi" theo kiểu bán cho khách vãng lai, "moi" hết tiền một lần mỗi khách.
Xin kể ra đây một vài câu chuyện mà tôi từng trải nghiệm để các bạn thấy rõ cách làm du lịch của người dân mình:
Trong một chuyến làm việc của tôi tại miền Tây đã lâu, tôi tranh thủ ghé vào một quán an gần đó để gọi món trước và chờ mọi người vào ăn. Vừa bước vào, tôi thấy bà chủ quán đã kêu to với nhân viên phía trong: "Bây ơi, xe Sài Gòn sắp vô!". Có lẽ bà không biết tôi cũng là người cùng đoàn với "cái xe Sài Gòn" ấy.
Tôi không nói gì, chỉ âm thầm chọn một bàn và ngồi xuống như một vị khách bình thường. Lúc đó, nhân viên của quán cũng không hề biết tôi đi chung đoàn với xe, nên đưa cho tôi một quyển menu bình thường. Tôi ngồi đọc trước hết một lượt và nhớ sẵn bảng giá trong đầu. Khi bạn bè của tôi bước vào và ngồi xuống đầy đủ, nhân viên mới vội mang thêm mấy tờ menu khác ra, nhưng giá trong đó hoàn toàn khác với giá trên menu mà tôi đang cầm. Xem ra, câu nói ám hiệu của bà chủ quán lúc trước đã có tác dụng.
>> Những điều khó giữ chân du khách đến Việt Nam
Trong một chuyến du lịch khác của tôi cùng gia đình cũng có một tình huống dở khóc dở cười. Khi kêu món ăn ở một nhà hàng, chúng tôi chọn lựa và hỏi giá rất kỹ ngay từ đầu, nhưng khi tính tiền, giá bỗng đội lên gấp đôi. Ví dụ, bát canh trong menu đề giá 100.000 đồng, nhưng chúng tôi phải trả 200.000 đồng, món kho 80.000 đồng thành 150.000 đồng, món xào 120.000 đồng thành 200.000 đồng. Trong khi đó, món cải xà lách được ghi là phục vụ miễn phí nhưng cuối cùng vẫn bị tính tiền.
Không hài lòng với cách bán hàng của quán, chúng tôi tới tranh luận với chị chủ quán. Người này trả lời chúng tôi rằng: "Dạ, vì bàn mình lớn, em sợ ăn không đủ nên chủ động tăng kích thước của tô, đĩa... Còn về cải xà lách vẫn tính tiền vì lễ nên rau lên giá, quán không phục vụ miễn phí được". Nghe những lời giải thích đó, tôi thực sự bó tay, không còn gì để nói.
Đó, với kiểu buôn bán, làm dịch vụ du lịch theo kiểu "móc túi", "tận thu" của du khách như vậy, chẳng khó hiểu khi nhiều người Việt còn thấy ác cảm với du lịch trong nước, chứ chưa nói tới du khách quốc tế. Dù có muốn ủng hộ du lịch nước nhà tới đâu, nhưng nếu bản thân những người cung cấp dịch vụ không chịu thay đổi tư tưởng của mình, bài toán thu hút du khách quốc tế của du lịch Việt vẫn sẽ là một bài toán khó tìm được lời giải.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.